Năm 2020 là một năm đáng quên với các công ty dầu khí khi mà ở giai đoạn Covid đầu năm, giá dầu giảm đến mức thấp kỷ lục, dẫn đến nhiều công ty phá sản như Chesapeake, Whitings... Thậm chí có thời điểm, những hợp đồng tương lai của dầu WTI còn được bán ở mức giá âm.
Việc cắt giảm sản lượng của nhiều quốc gia OPEC không đem lại hiệu quả, giá dầu tiếp tục ở mức thấp trong nhiều tháng gây ra thua lỗ lớn cho các công ty dầu khí trên toàn thế giới. Với tình trạng như vậy, nhiều công ty lớn mong muốn sẽ hợp nhất nhằm cắt giảm chi phí và định hình lại cuộc chơi trong ngành công nghiệp dầu khí, nổi bật nhất là Chevron và Exxon Mobil, 2 doanh nghiệp vào loại lớn nhất trong ngành.
Ảnh: Yahoo Finance
Chevron và Exxon Mobil là 2 công ty khổng lồ trong ngành dầu khí tại Mỹ cũng như trên thế giới và cùng được tách ra từ đứa con cưng của nhà tài phiệt Rockefeller, Standard Oil.
Sau khi siêu công ty về dầu mỏ Standard Oil buộc phải phân tách thành 34 công ty năm 1911 vì đạo luật chống độc quyền Sherman năm 1892, những doanh nghiệp con của họ hoạt động độc lập song không gây ảnh hưởng tới lợi ích của nhau. Chevron có tiền thân là Standard Oil California còn Exxon Mobil là sự sáp nhập của Standard Oil New Jersey và Standard Oil New York.
Trong nhóm bảy chị em khuynh đảo thị trường dầu khí từ giữa những năm 40 đến cuối những năm 70 của thế kỷ trước, Exxon Mobil và Chevron chiếm tới… 5 phần. Nếu như Exxon là sự hợp nhất của Exxon và Mobil, thì Chevron là sự kết hợp của Texaco, Gulf Oil và chính Chevron trong quá khứ. Có thể nói, với từng công ty riêng lẻ trong số "Bảy chị em", họ đã là một thế lực trong ngành và khi kết hợp lại càng cho thấy sự vượt trội đối với những đối thủ cạnh tranh.
Bảy chị em khuynh đảo thị trường dầu khí trong những năm 1940 - 1970 (Ảnh: Toasted dolphin)
Kết quả của những cuộc sáp nhập đó là hai công ty có doanh thu và vốn hóa hàng đầu thế giới. Exxon Mobil là công ty sản xuất dầu khí lớn nhất Hoa Kỳ và luôn nằm trong top 10 những công ty có vốn hóa lớn nhất thế giới từ năm 1996 tới 2017; năm 2019, công ty đứng thứ 3 trong danh sách Fortune 500. Hơn một nửa cổ phần của công ty được nắm giữ bởi các quỹ đầu tư lớn trên thế giới, nổi bật là The Vanguard Group, BlackRockvà State Street Corporation. Exxon Mobil đồng thời cũng là công ty lọc dầu lớn thứ 7 thế giới khi sở hữu 37 nhà máy lọc dầu ở 21 quốc gia với tổng công suất lọc dầu tổng hợp hàng ngày là 6,3 triệu thùng (tương đương với 1 triệu m3). Chevron cũng không hề kém cạnh khi đứng thứ 15 trong danh sách của Fortune 500 với giá trị vốn hóa tính đến tháng 3/ 2020 đạt 136 tỷ USD. Công ty cũng đứng thứ 61 trong danh sách Fortune Global 2000 dành cho 2000 công ty đại chúng lớn nhất thế giới. Rõ ràng, sức ảnh hưởng của hai gã khổng lồ này đến ngành sản xuất dầu khí và lọc dầu trên toàn thế giới là vô cùng lớn.
Một nhà máy của Chevron (Ảnh: Fortune)
Tuy nhiên, đại dịch Covid - 19 đã khiến thay đổi rất nhiều thứ, khi chính phủ các nước đưa ra lệnh giới nghiêm hạn chế việc di chuyển không chỉ trong nước mà còn ở bình diện quốc tế. Kết quả là nhu cầu về các loại dầu khí cũng như dầu mỏ giảm mạnh tới 30% do các phương tiện giao thông phổ biến như máy bay buộc phải ngừng hoạt động, khiến giá của loại hàng hóa này cũng lao dốc không phanh. Mặc dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra, như những nước có sản lượng dầu khí lớn nhất thế giới cam kết cắt giảm sản lượng, song hiệu quả không được như mong đợi. Bên cạnh dịch Covid - 19, việc các hãng xe đẩy mạnh sản xuất xe điện cũng khiến tương lai của hai gã khổng lồ bị lung lay phần nào đó.
Kết quả là, kết thúc năm 2020, Chevron công bố khoản lỗ lên tới 5.5 tỷ USD so với lợi nhuận 2.5 tỷ USD chỉ một năm trước đó. Doanh thu của công ty giảm 35.4% so với năm 2019, chỉ đạt 94.7 tỷ USD và đã có quý thua lỗ thứ 3 liên tiếp. Exxon Mobil thậm chí còn phải chịu kết quả kinh doanh tồi tệ hơn với khoản lỗ lên tới 22.4 tỷ USD, lần đầu tiên kể từ khi Exxon và Mobil về chung một nhà. Doanh thu của công ty cũng giảm tới 31.5%, chỉ đạt 181.5 tỷ USD. Những kết quả kinh doanh được đánh giá là vô cùng thất vọng này đã đẩy giá cổ phiếu của 2 công ty xuống thấp, đỉnh điểm là trong giai đoạn giữa tháng 3, khi cổ phiếu Chevron rơi từ 112 USD xuống chỉ còn trên 55 USD. Exxon Mobil cũng không khá hơn khi cổ phiếu của họ tụt dốc hơn một nửa chỉ còn 34 USD cũng tại thời điểm này.
Kết quả kinh doanh đáng thất vọng của Exxon năm 2020 (Ảnh: Exxon)
Chính vì vậy, hai người khổng lồ này đã tính tới một cuộc sáp nhập nhằm cắt giảm nhiều loại chi phí và tái cơ cấu các hoạt động kinh doanh. Tính tới thời điểm hiện tại, giá trị vốn hóa của Exxon và Chevron lần lượt là 190 tỷ USD và 164 tỷ USD. Điều này có nghĩa là vụ sáp nhập sẽ tạo ra một doanh nghiệp có vốn hóa thị trường khoảng 350 tỷ USD. Công ty sau sáp nhập sẽ trở thành công ty dầu lớn thứ hai thế giới theo giá trị vốn hóa thị trường và sản lượng, chỉ đứng sau nhà sản xuất dầu nhà nước Aramco của Saudi Arabia. Đây cũng sẽ là thương vụ sáp nhập lớn nhất trong ngành dầu mỏ, kể từ khi Exxon và Mobil hợp nhất vào năm 1998.
Tuy nhiên, vụ sáp nhập nhiều khả năng sẽ chịu nhiều rào cản, đặc biệt là về việc chống độc quyền cũng như những vấn đề về môi trường. Cả Chevron và Exxon Mobil đều là những thành viên lớn trong siêu tập đoàn Standard Oil và là 5 trong số 7 thành viên khuynh đảo thị trường sản xuất dầu một thời. Việc họ sáp nhập chẳng khác nào mang "bóng ma" Standard Oil trở lại và lũng đoạn thị trường dầu tại Mỹ; vì vậy sẽ có rất nhiều tổ chức cũng như những nghị sĩ Mỹ phản đối việc sáp nhập này. Ngoài ra, với việc tân tổng thống Biden rất quan tâm đến vấn đề môi trường cũng như mong muốn nước Mỹ chuyển đổi khỏi ngành dầu mỏ, việc hai ông lớn này sáp nhập sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình mà ông này mong muốn. Đặc biệt trong quá khứ, nếu như Exxon Mobil chịu nhiều chỉ trích bởi vụ Exxon Valdez ở Alaska thì Chevron cũng là thủ phạm phá hoại môi trường tại Ecuador. Vì vậy, với một tổng thống đã tuyên bố sẽ đưa nước Mỹ trở lại hiệp định Paris về biến đổi khí hậu như Biden, ông chắc chắn sẽ không đứng ngoài cuộc.
Liệu hai gã khổng lồ có về một nhà như đã từng? (Ảnh: Marketwatch)
Cả hai hãng dầu khí đều từ chối phỏng vấn khi được hỏi về cuộc sáp nhập. Mặc dù khả năng xảy ra không cao, nhưng cuộc sáp nhập của Exxon Mobil và Chevron vẫn rất được giới kinh doanh dầu khí trông đợi. Bởi một khi họ thành công, hình bóng Standard Oil ngày nào sẽ quay trở lại. Và khi đó, không ai biết điều gì sẽ xảy ra với giá dầu, nhất là khi sản lượng và trữ lượng dầu của hai công ty này là quá lớn. Khi ấy, liệu họ có bắt tay với những gã khổng lồ khác như Saudi Aramco nhằm lũng đoạn giá dầu hay không, có lẽ chúng ta cũng phần nào đoán được.