Tôi góp vốn mua chung với một nhóm bạn đầu tư mua một miếng đất dự án 140 m2, giá 3,15 tỷ đồng tại Quảng Ninh. Nói qua lô đất này nằm gần khu công nghiệp, gần chợ vì thế được cả đội đánh giá tiềm năng tăng giá lớn. Khi đó cả nhóm mua với mục đích lướt sóng bởi thời điểm đó thị trường bất động sản ở khắp nơi đều sốt.
Trước đó, nhóm của tôi cũng đã lướt sóng 4 lô đất, mỗi lô lãi từ 200-300 triệu đồng trong vòng 1-2 tháng. Cụ thể, nhóm tôi gồm 7 người, mỗi người góp vốn 450 triệu đồng. Về phần tôi, 450 triệu đồng đó là tiền nhàn rỗi tiết kiệm được của hai vợ chồng.
Với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng, chúng tôi giao cho anh trưởng nhóm nhiệm vụ tìm kiếm những lô đất tiềm năng bởi anh cũng vừa là dân trong nghề - làm sale bất động sản, vừa đầu tư lâu năm. Chính vì thế, tệp khách hàng của anh khá lớn nên các lô đất trước chỉ 1-2 tháng mua vào có lãi là cả nhóm quyết định đẩy đi ngay. Mỗi lô đất như vậy, mỗi chân trong nhóm của chúng tôi được chia từ 30-40 triệu đồng.
Thế nhưng ở lần lướt sóng lô đất ở Quảng Ninh, cả nhóm chúng tôi lại vô tình trở thành nhà đầu tư. Lô đất đó mua từ cuối tháng 2/2021 đến nay hơn 2 năm. Thực tế, có khá nhiều khách đến xem, cũng đã có người đặt cọc và trả chênh hơn 300 triệu so với giá gốc chúng tôi mua. Nhưng vì nhiều lý do, khách hủy cọc. Hoặc có khách khác trả giá không chênh nhiều so với giá chúng tôi đầu tư nên cả nhóm quyết định giữ. Bởi thời điểm đó, thị trường bất động sản vẫn còn nhộn nhịp chưa rơi vào trầm lắng. Chúng tôi muốn giá cao hơn bởi lúc đó cũng đầu tư được hơn nửa năm, phần lời chia sau khi bán phải kha khá thì mới bán.
Đầu tư được hơn nửa năm, lúc đó trong nhóm cũng đã có người muốn rút tiền về nên lãi ít cũng muốn bán. Nhưng anh trưởng nhóm lại cho rằng đầu tư lâu thì càng lên giá, chờ đợi thêm vài tháng nữa tìm khách trả giá cao hơn.
Thế nhưng, sau vài tháng chờ đợi, thị trường bất động sản bước vào giai đoạn trầm lắng sau. Lúc này, muốn thu tiền về, chúng tôi chỉ còn cách bán bằng với giá ban đầu mua vào. Khi đó vào tầm tháng 5/2022, sau hơn 1 năm đầu tư, nếu bán hòa vốn thì coi như chúng tôi lỗ. Cả nhóm bàn bạc, động viên cố giữ cho qua giai đoạn trầm lắng bởi giờ có bán hòa vốn cũng khó tìm được khách mua mà còn bị ép giá.
Còn bây giờ, sau hơn 2 năm tiền nằm trong đất, không chỉ riêng tôi mà một vài người trong nhóm muốn chấp nhận bán lỗ để thu tiền về, không mong gì lời lãi. Bởi, thà lỗ mà thu được tiền về gửi ngân hàng còn hơn ngâm 450 triệu đồng trong đất không biết khi nào mới thu lại được. Nếu ở loại hình bất động sản ở thực chẳng hạn sẽ có tiềm năng thời điểm này còn với loại hình đầu cơ đang ngày một giảm. Làn sóng cắt lỗ lan rộng. Tôi chỉ sợ càng để càng lỗ. Thế nên, đừng nói mua đất lúc nào cũng tăng, để một vài năm tăng gấp đôi, gấp ba.
Tôi nghĩ với những người mua để một, hai năm tăng được gấp đôi gấp ba là chẳng may mua đúng vào thời điểm giai đoạn đầu của sóng bất động sản. Tôi có nghe nói về chu kỳ sốt đất - đóng băng của bất động sản tầm 7-10 năm. Những pha của chu kỳ này bao gồm hồi phục, phát triển và thoái trào. Nhiều người giàu lên vì đầu tư bất động sản với điều kiện là mua ở cuối giai đoạn thoái trào - đầu giai đoạn hồi phục và bán ở giai đoạn phát triển.
Cũng có nhiều người giàu lên nhanh vì lướt sóng ở giai đoạn phát triển, thời gian chờ đợi không lâu nhưng đi kèm đó là rủi ro. Thế nhưng cái khó là làm sao nhận diện được thời gian nào là hồi phục, đâu là phát triển và đâu là thoái trào?
Còn như tôi, mua vào giai đoạn đang sốt, đến khi thị trường rơi vào trầm lắng mình vẫn chưa kịp rút để về bờ an toàn. Giờ thì chắc ngày về bờ còn xa.