Đó là nhận định được đưa ra tại Hội thảo Điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô (23/01) do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam (VATA) phối hợp tổ chức.
Quá trình thí điểm đã đưa một phương thức kết nối mới cho hoạt động vận tải Việt Nam. Từ đó, các doanh nghiệp trong nước có động lực thay đổi, đồng thời người tiêu dùng thêm quyền tự do lựa chọn với nhiều dịch vụ đa dạng.
Tuy nhiên, những tranh chấp trong thời gian qua giữa Uber, Grab và taxi truyền thống, việc bảo vệ quyền lợi của lái xe, người tiêu dùng cũng như sự lúng túng của cơ quan quản lý đã thể hiện nhiều bất cập của kế hoạch thí điểm.
Định danh Uber, Grab vẫn còn tranh cãi
Loại hình Uber, Grab vẫn chưa được định danh. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải coi đây là loại hình xe hợp đồng. Theo ông Hùng, quy định này không hợp lý vì Uber, Grab vẫn tính tiền như taxi thông thường. Quan điểm này tạo ra cạnh tranh bất bình đẳng và phân biệt đối xử giữa Uber, Grab với taxi truyền thống.
Ví dụ, trong khi các hãng taxi bị hạn chế về số lượng theo quy hoạch thì Uber, Grab tự do phát triển mạng lưới hệ thống tài xế.
Ông Hùng cho biết nhiều quốc gia trên thế giới đều coi loại hình kinh doanh như Uber, Grab là kinh doanh taxi. Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) đã đưa ra phán quyết Uber là công ty vận tải và phải tuân thủ quy định trong ngành vận tải.
Ngoài ra, mâu thuẫn trong việc định danh Uber hay Grab cũng thể hiện trong các văn bản, nghị định. Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải cho đây là các công ty cung cấp phần mềm nên trong thời gian dài Grab chỉ kê khai doanh thu là "phí sử dụng phần mềm kết nối", không phải chịu thuế VAT. Trong khi đó, văn bản 9299/BCT-PC ngày 07/10/2017 gửi văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương kiến nghị Uber, Grab nên được xác định là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải. Theo Nghị định 71/2007/NĐ-CP thì cả Uber và Grab đều không hề có hoạt động nào liên quan đến dịch vụ phần mềm và sản phẩm phần mềm.
Uber, Grab bị "tố" cạnh tranh trái pháp luật
Ông Hùng nếu ra nhiều sai phạm của hai công ty công nghệ trong 2 năm thí điểm. Cụ thể, dịch vụ GrabShare mặc dù Bộ Giao thông vận tải không cho phép nhưng Grab vẫn triển khai. Kế hoạch thí điểm chỉ cho phép được thí điểm tại 5 thành phố nhưng Grab đang hoạt động ở rất nhiều địa phương.
Ông Hùng cho biết: "Như vậy GrabTaxi đã quá coi thường pháp luật của Việt Nam và coi thường chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải".
Uber cũng không kém cạnh, công ty này hoạt động từ năm 2014 tại Hà Nội nhưng đến năm 2017 thì Bộ Giao thông vận tại mới cho phép hoạt động. Lái xe hoạt động trái phép, gây bất bình đẳng ở các sân bay. Công ty này còn đối phó trong quản lý dữ liệu Giám sát hành trình để đánh lừa cơ quản quản lý.
Đặc biệt, việc nộp thuế của Uber, Grab là một vấn đề nổi cộm. Số lượng phương tiện của hai công ty trên gấp 2,7 lần số lượng taxi của cả Hà Nội và TP. HCM, nhưng số nộp ngân sách chỉ bằng 1/5 lần số thuế phải nộp của taxi Vinasun.
Ngoài ra, ông Hùng cho rằng taxi truyền thống giải quyết tốt khiếu nại của khách hàng, nhưng khách hàng của Uber, Grab nhiều trường hợp bị ép giá, đuổi khách dọc đường nhưng không được giải quyết thỏa đáng.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP. HCM bức xúc cho biết từ khi xuất hiện ở Việt Nam, Uber và Grab đã "tung nhiều chiêu trò theo kiểu cá lớn nuốt cá bé".
Ở góc độ khác, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, nhận định bản thân taxi truyền thống còn nhiều vấn đề nội tại cần thay đổi. Theo ông, nhiều công ty taxi đổ cho Grab, Uber khiến làm ăn thua lỗ là chưa thỏa đáng.
Ông Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng những thất bại hiện nay là do pháp luật điều chỉnh vẫn lấy cái cũ làm cơ sở và "đưa cái mới vào giỏ của cái cũ". Ông nói thêm: "Cần lấy cái mới làm cơ sở để bãi bỏ cái khung, cái áo cũ chật hẹp", từ đó nới lỏng và xóa bỏ các hạn chế, rào cản.