Cụ thể, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, ngân hàng VIB đã thông qua mục tiêu lợi nhuận năm 2022 đạt 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Các chỉ tiêu về Tổng tài sản, Tổng dư nợ tín dụng và Huy động vốn đều tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỷ đồng; 265.600 tỷ đồng và 280.600 tỷ đồng. Trong đó, mức tăng trưởng tổng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào giới hạn cho phép của Ngân hàng Nhà nước.
Năm 2021, lợi nhuận của VIB cũng đã tăng trưởng ấn tượng (tăng 38%) lên 8.000 tỷ đồng và hoàn thành 107% kế hoạch năm. Mức lợi nhuận này giúp VIB lọt top 10 nhà băng có lãi cao nhất hệ thống.
Để đạt được mục tiêu lãi chục nghìn tỷ, VIB cho biết năm nay sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng nguồn thu ngoài mảng tín dụng truyền thống sang các sản phẩm mang lại thu nhập ngoài lãi giúp đa dạng hóa nguồn thu và nâng cao hiệu suất sinh lời.
Thêm một ngân hàng khác muốn ghi danh vào "câu lạc bộ" lợi nhuận trên chục nghìn tỷ đồng là SHB. Tại ĐHĐCĐ dự kiến tổ chức ngày 20/4, HĐQT SHB sẽ trình cổ đông thông qua mục tiêu phát triển kinh doanh năm 2022 với một số chỉ tiêu cơ bản sau: Tổng tài sản tăng trưởng trên 12%; Vốn điều lệ tăng trưởng 36% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế dự kiến tối thiểu 11.686 tỷ đồng, tăng 87%; Dự kiến chia cổ tức năm 2022 từ 18%.
Trước đó, trong năm 2021, SHB là một trong những ngân hàng có tăng trưởng cao nhất, với lợi nhuận tăng tới 91% so với năm 2020, đạt mức 6.260 tỷ đồng. SHB cũng đã thực hiện nhiều kế hoạch quan trọng như chia cổ tức tăng vốn điều lệ lên 26.674 tỷ đồng, chuyển giao dịch từ HNX sang HoSE. Một tiền đề rất quan trọng để SHB bứt phá những năm tới là đã xử lý xong toàn bộ tồn đọng liên quan đến Habubank, tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh và sạch nợ VAMC.
Đặc biệt, tháng 8/2021, SHB đã ký kết thỏa thuận chuyển nhượng 100% vốn tại SHB Finance cho Ngân hàng Krungsri – Thái Lan trong vòng 3 năm. Việc thoái vốn này sẽ đem lại nguồn thặng dư rất lớn cho SHB, để có điều kiện tăng trưởng kinh doanh những năm tới.
Cách đây 5 năm, chỉ có một ngân hàng lợi nhuận trên 10.000 tỷ là Vietcombank thì danh sách này hiện đã lên gần chục ngân hàng. Năm 2021, có tới 8 ngân hàng ghi nhân lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đặc biệt có Vietcombank, Techcombank đạt trên 20.000 tỷ. "Câu lạc bộ" này ghi nhận thêm 1 thành viên mới là ACB khi lợi nhuận tăng 25% lên hơn 12.000 tỷ đồng.
Một ngân hàng khác cũng gần đạt mốc 10.000 tỷ là HDBank: lợi nhuận năm 2021 đạt 8.011 tỷ đồng. Nhà băng này chưa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022 nhưng nhiều khả năng cũng sẽ đặt mục tiêu trên chục nghìn tỷ. Bởi trong một lần chia sẻ với nhà đầu tư gần đây, lãnh đạo HDBank cho biết năm 2022 sẽ tăng trưởng cao. Theo chiến lược 5 năm (2021-2025), HDBank muốn tăng trưởng bình quân trên 25% và đến năm 2025 lợi nhuận có thể đạt 1 tỷ USD.
Trong báo cáo phân tích gần đây, chứng khoán SSI duy trì quan điểm tích cực về ngành ngân hàng trong năm 2022. SSI cho rằng, có những yếu tố tác động tích cực khiến lợi nhuận của nhóm ngành có thể đạt mức cao hơn so với ước tính hiện tại như nền kinh tế phục hồi tốt hơn dự kiến và các khoản thu nhập bất thường từ bancassurance.
Trong khi đó, rủi ro lớn nhất với lợi nhuận ngân hàng là trường hợp lãi suất huy động tăng nhanh hơn dự kiến. Mặc dù diễn biến lãi suất huy động từ đầu năm đến nay phù hợp với kỳ vọng, rủi ro lạm phát vẫn là một mối lo ngại - đặc biệt là do tác động của cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine khiến giá dầu tăng nhanh.