154,4 tỷ USD là tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước tính đến 15/8, theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tăng hơn 8% so với cùng kỳ 2018.
Đáng chú ý, có 2 nhóm hàng nhập khẩu đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên là: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.
So với cùng kỳ năm ngoái, số nhóm hàng nhập khẩu "chục tỷ USD" không thay đổi về số lượng và nhóm hàng.
Tuy nhiên, kim ngạch tăng thêm của những nhóm hàng này là rất đáng kể, lên tới gần 8 tỷ USD so với 1 năm trước đây.
Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 31 tỷ USD, tăng tới 5,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương tốc độ tăng trưởng 21%.
Về thị trường, Việt Nam vẫn nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện nhiều nhất từ Hàn Quốc với trị giá 10,2 tỷ USD (cập nhật theo thị trường hết tháng 7 của Tổng cục Hải quan), tăng nhẹ 2,8% so với cùng kỳ năm trước.
Các vị trí tiếp theo là Trung Quốc với 6,91 tỷ USD, tăng mạnh tới 65,9%; Đài Loan và Hoa Kỳ chia nhau vị trí thứ 3 và thứ 4 với kết quả lần lượng tà 2,93 tỷ USD, tăng 39,9%; và 2,63 tỷ USD, tăng tới 49,5%...
Trong khi đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 22,3 tỷ USD tăng 12% so với cùng kỳ 2018, tương đương kim ngạch tăng thêm 2,4 tỷ USD.
Những tháng đầu năm, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng nhập khẩu chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 8,04 tỷ USD, tăng 26,7%; từ Hàn Quốc đạt 3,73 tỷ USD, tăng 3,8% và từ Nhật Bản đạt 2,69 tỷ USD, tăng 6,1%...
Với tổng kim ngạch lên đến 53,3 tỷ USD, riêng 2 nhóm hàng nêu trên chiếm đến gần 34,5% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước trong cùng thời điểm.
Sự góp mặt của Trung Quốc và Hàn Quốc ở 2 nhóm hàng trên là điều dễ hiểu khi đây đang là 2 thị trường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Ngoài ra, đến 15/8, Việt Nam còn nhiều nhóm hàng nhập khẩu lên đến hàng tỷ USD.
Điển hình như vải đạt 8,2 tỷ USD; điện thoại và linh kiện đạt 7,99 tỷ USD; sắt thép đạt 6 tỷ USD; chất dẻo nguyên liệu đạt 5,59 tỷ USD…