Thủy sản
Nhận định về ngành Thủy sản, EVS đưa ra lập luận cho rằng, đây sẽ tiếp tục là mũi nhọn xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022.
Báo cáo trích dẫn dự báo của Cục Xuất Nhập Khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu ngành thủy sản Việt Nam đạt 2,1 triệu tấn (tăng 3,2% so với 2021), đạt giá trị 9,2 tỷ USD (tăng 3,5% so với 2021).
Mặc dù đã đạt mức xuất khẩu tốt trong 2021, các chi phí quản lý (do áp dụng biện pháp "3 tại chỗ") và chi phí vận chuyển (giá cước vận tải, container vận chuyển) đè nặng lên các doanh nghiệp do Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành gặp khó. Tuy nhiên với kì vọng giãn cách xã hội sẽ khó có thể xảy ra và việc gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ dần được cải thiện, ngành thủy sản sẽ có thể hồi phục và phát triển mạnh trong 2022.
Ngoài ra, EVS còn cho rằng, giá cả các mặt hàng xuất khẩu như cá tra, tôm sẽ tiếp tục tăng do cầu vượt cung. Cụ thể, đứt gãy chuỗi cung ứng làm gia tăng chi phí vận chuyển (thiếu hụt container, giá cước vận tải tăng) khiến cho giá thủy sản xuất khẩu liên tục tăng.
Theo VASEP, giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ đang ở mức giá cao 3,95 USD/kg (tăng 21,7% so với đầu năm) giá tại thị trường Trung Quốc cũng đang neo ở mức cao. Mặc dù vậy nhu cầu cá tra từ các đối tác chính như Mỹ vẫn rất lớn (kim ngạch xuất khẩu cá tra 2021 tăng 8,4% so với cùng kỳ).
Đối với nhóm hàng tôm, chi phí hậu cần và vận chuyển đã đẩy giá tôm trung bình 2021 lên 12,7 USD/kg – cao hơn 10% so với 2020. Theo Rabobank, việc nhu cầu ngày càng gia tăng đối vơi mặt hàng tôm ở Trung Quốc, Châu Âu và Mỹ có thể khiến giá tôm tiếp tục neo ở mức cao trong 2022. Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu tôm có thể đạt được tốc độ tăng trưởng kép giai đoạn 2022-2025 khoảng 9-10%, hướng tới mức kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2025 đạt 5,6 tỷ USD
Mặt khác, các FTA sẽ là bệ đỡ quan trọng cho sự phát triển của ngành thủy sản trong dài hạn. Theo VCCI, với CPTPP Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu sang 10 thị trường – chiếm 25% tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vì hầu hết được cắt giảm thuế về 0% đối với các mặt hàng tôm đông lạnh, cá tra,... Bên cạnh đó hiệp định cũng hỗ trợ Việt Nam đa dạng hóa nguồn nguyên liệu khi các nước tham gia CPTPP chiếm 16% tổng lượng nhập khẩu thủy sản của Việt Nam. Việc được hỗ trợ thuế sẽ giúp doanh nghiệp thủy sản cắt giảm chi phí để gia tăng biên lợi nhuận.
Với hiệp định EVFTA, gần 50% dòng thuế suất cơ bản 0 – 22% sẽ được giảm về 0%, khoảng 50% dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5.5% - 26% cũng sẽ được giảm về 0% trong 3 – 7 năm.
Phân bón & Hóa chất
Với nhóm ngành Phân bón & Hóa chất, EVS cho rằng, giá cả hàng hóa leo thang sẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành này hưởng lợi.
Theo Bộ Công Thương, giá phân bón tăng 682% so với cùng kỳ và hóa chất tăng 98,6% so với cùng kỳ trong tháng một vừa qua. Giá nông sản thế giới tăng nóng thời gian qua do rối loạn nguồn cung kết hợp với tình hình thời tiết thuận lợi đã thúc đẩy sản xuất nóng nghiệp phát triển kéo theo nhu cầu phân bón gia tăng.
Đặc biệt, giá nguyên liệu đầu vào của phân bón hiện đang tăng ở mức kỷ lục. Kể từ tháng 1/2022, giá quốc tế của một loạt các nguyên liệu sản xuất phân bón chính tăng vọt như giá ammoniac tăng 220%, urea tăng 148%, DAP tăng 90% và KCL tăng 198%.
Trong đó, Nga và là nước xuất khẩu nguyên liệu phân bón hàng đầu thế giới với sản lượng xuất khẩu đạt lần lượt 9 và 8 triệu tấn (2021). Cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra và các lệnh trừng phạt từ phương Tây đã khiến cho giá của các mặt hàng này tiếp tục tăng từ nền cao trong 2021. Đây là tác động chính khiến cho các cổ phiếu ngành Phân bón và Hóa chất tăng mạnh thời gian vừa qua.
"Chúng tôi cho rằng với việc giá bán phân bón tiếp tục neo ở mức cao, kết quả kinh doanh quý 1/2022 của các doanh nghiệp trong ngành sẽ tiếp tục khả quan, là chất xúc tác quan trọng kéo dài chu kỳ tăng giá của nhóm cổ phiếu phân bón và hóa chất thời gian tới" - báo cáo của EVS nhấn mạnh.