Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan , trong tháng 6/2024, Việt Nam xuất khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 86,6 triệu USD, giảm 6,2% so với tháng 5/2024 và giảm 10% so với tháng 6/2023.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam đạt trên 492,88 triệu USD, giảm 5,6% so với 6 tháng đầu năm 2023.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất thức ăn gia súc và nguyên liệu của Việt Nam, chiếm gần 41% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của cả nước.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu sang thị trường này đạt trên 200.48 triệu USD, giảm 16,6% so với 6 tháng đầu năm 2023; riêng tháng 6/2024 xuất khẩu sang thị trường này đạt 36,59 triệu USD, giảm 12% so với tháng 5/2024 và giảm 24,4% so với tháng 6/2023.
Tiếp theo là thị trường Mỹ đạt gần 63,62 triệu USD, tăng 91,8%, chiếm 13%; Campuchia đạt 55,54 triệu USD, giảm 33,5%, chiếm 11,3%; Malaysia đạt 49,51 triệu USD, giảm 4,1%, chiếm gần 10%.
Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, đạt hơn 55,5 triệu USD trong 6 tháng đầu năm, giảm 33,54% so với cùng kỳ, chiếm 11% thị phần.
Thị trường Đông Nam Á đang là một trong những khu vực tiêu thụ hàng đầu, đạt gần 147,16 triệu USD, giảm 12,1% so với 6 tháng đầu năm 2023, chiếm 29,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của cả nước.
Việc giá nguyên liệu thế giới giảm mạnh đã đóng góp cho mức tăng trưởng của ngành chăn nuôi trong quý I/2024. Tuy nhiên, sự phụ thuộc của ngành vào hoạt động nhập khẩu không phản ánh sự phát triển bền vững và ổn định nếu giá nông sản quốc tế tăng trở lại. Cuối quý II giá các mặt hàng thường biến động mạnh khiến các doanh nghiệp cẩn trọng hơn trong việc xuất nhập khẩu .
Ngành chăn nuôi Việt Nam đóng góp 25,2% vào GDP nông nghiệp; năng lực sản xuất, chăn nuôi được đánh giá là nằm trong top đầu thế giới.
Hiện cả nước có 269 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp dạng hỗn hợp hoàn chỉnh với tổng công suất thiết kế đạt 43,2 triệu tấn. Trong đó, 90 nhà máy thuộc sở hữu của doanh nghiệp FDI (chiếm 33,5% về số lượng; 51,3% về công suất thiết kế) và 179 nhà máy thuộc doanh nghiệp trong nước (chiếm 66,5% về số lượng và 48,7% về công suất thiết kế).
Việt Nam có lợi thế về sản xuất gạo (chiếm 8,4% sản lượng của thế giới), có khả năng thay thế một phần ngô làm thức ăn chăn nuôi . Ngoài ra, Việt Nam cũng có một số sản phẩm, phụ phẩm từ quá trình chế biến thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm (mỡ cá, bột cá,...) làm thức ăn chăn nuôi nhưng số lượng không nhiều.
Tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, trong đó có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia mở rộng kinh doanh sản xuất.
Trong đó có những cái tên như Cargill Group (Mỹ), CP Group (Charoen Pokphand Group – Thái Lan), De Heus (Hà Lan), Haid (Trung Quốc), BRF (Brazil), Mavin (Pháp), Japfa (Singapore), CJ (Hàn Quốc),…
Việc thu hút các tên tuổi lớn trên thế giới đầu tư vào thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp trong nước cũng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.