Mới đây, tại chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến các bày tỏ tán thành sự cần thiết của việc đầu tư xây dựng Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM.
Theo đó, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng như: phạm vi và quy mô dự án, những vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, cân nhắc tính khả thi đầu tư dự án theo phương thức PPP, đánh giá hiệu quả các hình thức khai thác nguồn lực, quỹ đất có liên quan, việc phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong triển khai dự án…
Trước đó, theo tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 TP. HCM, dự án vành đai 3 TP. HCM có tổng chiều dài 76,34km đi qua địa phận TP. HCM (47,51km); Đồng Nai (11,26km); Bình Dương (10,76km); Long An (6,81km). Dự kiến tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 75.378 tỷ đồng, bao gồm 38.741 tỷ từ ngân sách trung ương và 36.637 tỷ ngân sách địa phương.
Dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km, gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long, đi qua địa phận thành phố Hà Nội (58,2km); Hưng Yên (19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6km). Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85.813 tỷ đồng, sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước và vốn BOT của nhà đầu tư, trong đó vốn BOT 29.447 tỷ đồng.
Tổng quan các phân đoạn Vành Đai 3
Theo quy hoạch, dự án tuyến đường vành đai 3 đi qua địa phận 4 tỉnh, thành: Long An, Bình Dương, TPHCM và Đồng Nai. Tổng chiều dài của tuyến đường hơn 90km, trong đó phải làm mới hơn 70km. Về phương án đầu tư, dự án được chia làm 4 đoạn, cụ thể lần lượt là:
Đoạn 1: Từ Nhơn Trạch đến Tân Vạn. Đường Vành đai 3 Tân Vạn – Nhơn Trạch có chiều dài 34,3km. Quy mô 6 làn xe giai đoạn 1 (tăng lên 8 làn xe giai đoạn 2). Hướng tuyến đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai (Nhơn Trạch) và TP. HCM.
Đoạn 2: Từ Tân Vạn đến Bình Chuẩn. Đường Vành đai 3 đoạn Bình Chuẩn – Tân Vạn dài 16,7km. Tỉnh Bình Dương đã đầu tư xây dựng theo hình thức PPP, cơ bản đã đưa vào khai thác.
Đoạn 3: Từ Bình Chuẩn đến Quốc lộ 22. Đường Vành đai 3 đoạn QL.22 – Bình Chuẩn dài 19,1 km, đi qua địa phận Bình Dương và TP. HCM.
Đoạn 4: Từ Quốc lộ 22 về Bến Lức. Đường Vành đai 3 đoạn Bến Lức – QL.22 dài 28,9km, đi qua địa phận TP. HCM và Long An.
Theo tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, giai đoạn 1 dự án dài hơn 76km, thực hiện 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên quy mô tối thiểu 2 làn xe. Cũng ở giai đoạn 1, dự án sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch để giữ đất nhằm tạo thuận lợi khi đầu tư giai đoạn 2 lên 8 làn xe.
Tổng quan về đường Vành Đai 4 - Vùng Thủ Đô
Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô dự kiến có tổng chiều dài 112,8 km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).
Dự án đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố. Cụ thể: Địa phận Hà Nội 58,2 km, đi qua 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông). Tỉnh Hưng Yên dự kiến tuyến dài 19,3 km, đi qua 4 huyện (Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm). Tỉnh Bắc Ninh dự kiến tuyến dài 25,6 km đi qua 3 huyện (Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình) và thành phố Bắc Ninh.
Bao giờ thì hoàn thành 2 "siêu dự án" vành đai?
Tại phiên họp thứ 11 về dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô và đường Vành đai 3 TP. HCM, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã có thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiến độ hai siêu dự án này.
Trên cơ sở xem xét tính cấp bách của các dự án, Thường vụ Quốc hội thống nhất triển khai, thực hiện dự án đường vành đai 3 TP. HCM với tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành năm 2026, quyết toán năm 2027.
Dự án đường vành đai 4 nghiên cứu giãn tiến độ 1 năm, cơ bản hoàn thành năm 2026 và hoàn thành toàn bộ năm 2027, để bảo đảm tính khả thi và cân đối, bố trí phần vốn...