Ngày 9/3, Bộ Tài chính công bố tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 2/2022 và triển khai Chương trình công tác tháng 3/2022.
Trả nợ của Chính phủ trong tháng 2 đạt hơn 10,4 nghìn tỷ đồng
Cụ thể, liên quan đến công tác quản lý tài chính doanh nghiệp và cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính cho hay, trong tháng 2/2022 và 2 tháng đầu năm, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo kế hoạch đã được phê duyệt (tại Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ).
Đối với tình hình thoái vốn, trong tháng 2/2022 và 2 tháng đầu năm 2022, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo kế hoạch đã được phê duyệt (tại Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ).
Bên cạnh đó, trong tháng 2 vừa qua, Bộ Tài chính đã thực hiện một số hoạt động nổi bật bám sát kế hoạch đề ra, trong đó có một số nội dung chính như: Phổ biến Nghị định sửa đổi Nghị định 57/2019/NĐ-CP về biểu thuế CPTPP sau khi được Chính phủ ban hành; Tham dự phiên họp lần thứ 72 Ủy ban công tác ASEAN về Tự do hóa dịch vụ tài chính (WC-FSL)...
Liên quan đến công tác quản lý nợ và tài chính đối ngoại, về rút vốn, trong tháng 2 đã thực hiện rút vốn vay nước ngoài của Chính phủ khoảng 14,3 triệu USD (tương đương 326,97 tỷ đồng). Lũy kế từ đầu năm đến 20/02/2022, rút vốn đạt khoảng 182,7 triệu USD (tương đương khoảng 4.220,1 tỷ đồng), trong đó cấp phát khoảng 133,6 triệu USD, cho vay lại khoảng 49,2 triệu USD.
Về trả nợ của Chính phủ, trả nợ của Chính phủ trong tháng 2 đạt khoảng 10.467 tỷ đồng. Trong đó, trả nợ trong nước khoảng 8.973 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 1.495 tỷ đồng.
Lũy kế 2 tháng đầu năm, trả nợ Chính phủ khoảng 43.821 tỷ đồng. Trong đó, trả nợ trong nước 36.139 tỷ đồng, nợ nước ngoài 7.681 tỷ đồng; trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 40.470 tỷ đồng, trả nợ cho vay lại khoảng 3.351 tỷ đồng.
Thông tin về công tác quản lý thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, báo cáo nêu rõ, tính đến ngày 28/2/2022, chỉ số VNIndex đạt 1490,13 điểm, tăng 0,8% so với cuối tháng trước và giảm 0,5% so với cuối năm 2021; chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 440,42 điểm, tăng 5,7% so với cuối tháng trước và giảm 7,1% so với cuối năm 2021.
Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.780 nghìn tỷ đồng, tăng 0,2% so với cuối năm 2021, tương đương 92,6% GDP. Đặc biệt, từ đầu năm đến 28/2/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt, đăng công khai đối với 13 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt là 4.447,5 triệu đồng.
Ngoài ra, cũng trong 2 tháng đầu năm, thị trường bảo hiểm duy trì được tốc độ tăng trưởng tích cực. Cụ thể, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 32.406 tỷ đồng (tăng 12,65% so với cùng kỳ năm 2021); tổng tài sản ước đạt 721.000 tỷ đồng (tăng 23,77% so với cùng kỳ năm2021); đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 588.067 tỷ đồng (tăng 22,17% so với cùng kỳ năm 2021).
Đối với công tác quản lý dự trữ Nhà nước, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 2/2022, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã thực hiện xuất cấp 54.869,546 tấn gạo cho các địa phương; đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp 240.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia kế hoạch năm 2022 của 22 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực.
Cuối cùng, về công tác thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong tháng 2/2022, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 10.099 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 186.853 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 1.770 vụ; kiến nghị xử lý tài chính 8.967.393 triệu đồng (trong đó: Kiến nghị thu hồi nộp 2.095.606 triệu đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác 6.213.505 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính 658.282 triệu đồng); số tiền đã thu nộp NSNN 1.681.164 triệu đồng.