Nắm rõ những bí quyết phân biệt thực phẩm Trung Quốc và Việt Nam này chị em sẽ không bao giờ mua nhầm.
1. Bông cải xanh
Bông cải xanh (súp lơ xanh) của Việt Nam có búp vừa phải, hoa nở đều, sần sùi. Khoảng cách giữa các hoa nhỏ và phần cuống có màu xanh nhạt.
Trong khi đó, bông cải xanh Trung Quốc búp đều, mịn, không có khoảng hở, phần cuống có màu xanh đậm, không có mùi thơm.
2. Cà rốt
Cà rốt của Việt Nam thường dài, nhỏ, xung quanh củ có nhiều rễ, màu nhạt và không đều nhau. Còn cà rốt Trung Quốc thường rất to, tròn, vỏ nhẵn nhụi và có màu cam đậm; không có cuống hay đầu thường đen do để lâu.
3. Rau cải
Rau cải trồng ở đâu cũng là "miếng mồi ngon" cho các loại sâu bọ, côn trùng nên có nguy cơ cao chứa các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc tăng trưởng. Vì vậy, khi đi chợ, nếu thấy rau cải non mơm mởn, lá xanh ngắt, không có vết sâu bọ cắn, đặc biệt là các loại rau có phần thân chắc mập, đều tăm tắp thì khả năng cao rau được bón nhiều phân đạm nitrat và thuốc trừ sâu. Bà nội trợ nên tránh mua loại rau này.
4. Bắp cải
Bắp cải trồng ở Việt Nam thường to, tròn, đẹp. Phần lá bao bên ngoài có màu xanh nhạt, các lá cuốn chặt vào nhau, cầm rất chắc tay và khó bóc. Bắp cải có mùi thơm đặc trưng.
Bắp cải Trung Quốc thường có kích thước nhỏ hơn, hình tròn. Phần lá bao bên ngoài có màu xanh đậm, các lá cuốn không chặt nên cầm nhẹ tay và dễ bóc. Ngoài ra, nó còn không có mùi thơm đặc trưng như bắp cải của Việt Nam.
5. Bí đỏ
Tại Việt Nam, bạn có thể mua nhiều loại bí đỏ với hình dạng, kích thước khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung bí đỏ trồng trong nước thường có vỏ sần sùi, không trơn bóng và cầm nặng tay.
Trong khi đó, loại bí đỏ Trung Quốc thường có kích thước lớn, rất nặng, quả to và dài gấp 2-3 lần bí ta. Phần vỏ bên ngoài cũng bóng và trơn láng hơn.
6. Cà chua
Cà chua Việt Nam thường có hình thuôn nhỏ, giống hình bầu dục. Nhiều quả có nún nhỏ, nhọn hoặc có quả tròn nhưng hơi dẹt, méo mỏ, vỏ ngoài không bóng đẹp.
Cà chua Trung Quốc thường rất to, các quả đều nhau, không có cuống hay núm quả, vỏ bóng, căng mịn.
7. Khoai tây
Khoai tây Đà Lạt thường có kích thước nhỏ, mắt nhỏ, vỏ mỏng nên dễ trầy, phần ruột bên trong màu vàng. Khoai tây Trung Quốc kích thước to đồng đều, vỏ dày, trên vỏ có các chấm li ti, mắt củ to, phần ruột có màu vàng dậm hơn so với khoai Đà Lạt.
8. Hành tây
Hành tây Trung Quốc củ to, vỏ màu vàng thẫm, sáng bóng, phần ruột có màu trắng hơi ngả sang màu xanh, đẫm nước. Trong khi đó, hành tây Việt Nam thường có phần ruột trắng, lớp vỏ mỏng, không bóng mà hơi sần và thô ráp. Ngoài ra, hành tây trồng trong nước thường có nhiều rễ, phần cuống vẫn còn dài.
9. Hành khô
Hành khô trồng ở Việt Nam thường chỉ có vài tép trên một củ, lớp vỏ dày và có mùi thơm đặc trưng. Trong khi đó, hành khô Trung Quốc củ to, thường là loại chỉ có một tép, màu đỏ nhạt, vỏ mỏng và không thơm bằng hành ta.
10. Hồng xiêm
Quả hồng xiêm Việt Nam có dáng dài chứ không tròn đều, vỏ nhạt màu, không nhẵn nhụi.
Hồng xiêm Trung Quốc có vỏ đậm màu hơn, trơn láng. Quả thường to, tròn đều và đẹp mắt hơn.
11. Nhãn
Nhãn Việt Nam có vỏ dày, sần sùi trong khi đó nhãn Trung Quốc vỏ mỏng và nhạt màu hơn.
12. Chuối
Chuối dù có nguồn gốc xuất sứ ở đâu cũng dễ bị tẩm thuốc kích chín. Loại chuối có tẩm thuốc thường chín vàng đều. Quả chuối màu vàng, không vết đốm, trông rất đẹp mắt nhưng cuống chuối vẫn còn xanh.
Chuối chín tự nhiên sẽ chín không đều. Trong cùng một nải có quả xanh, quả vàng. Vỏ chuối xuấ hiện nhiều vết đốm.
13. Táo
Táo Trung Quốc có vỏ nhạt màu, quả to, tròn nhưng cầm có cảm giác nhẹ tay.
14. Cam
Cam Trung Quốc quả nhỏ, không hạt và không có mùi thơm đặc trưng. Khi ăn sẽ thấy vị nhạt, không chua không ngọt và giá thành tương đối rẻ.
Trong khi đó, cam Việt Nam có vỏ dày, sần sùi, thậm chí bị nám vỏ, có hạt, mùi thơm và vị rõ ràng.
15. Lựu
Quả lựu Trung Quốc thường to, vỏ màu đỏ đẹp, sáng bóng, trơn láng. Trong khi đó, lựu trồng ở Việt Nam quả nhỏ, da sần sùi hoặc bị nám, vỏ thường có màu xanh và đỏ dần khi chín.
16. Xoài
Xoài Trung Quốc có vỏ ngoài màu xanh, không chín vàng như xoài Việt Nam.
Nếu thấy những quả xoài có vỏ vàng nhưng tấm tấm chấm đen ở cuống thì không nên mua.
17. Mận
Mận Việt Nam cầm chắc tay, có phấn trắng bên ngoài vỏ, màu sắc rõ rệt. Trong khi đó, mận Trung Quốc quả to, vỏ nhạt màu vàng mờ, khi mang từ tủ lạnh ra ngoài rất nhanh bị nẫu.
18. Nho
Nho xanh Trung Quốc có vỏ mỏng, màu nhạt, vị ngọt gắt. Trái nho rời rạc trên một chùm.
Nho Việt Nam có vỏ đậm rõ, chùm nho sai quả, cầm chắc tay. Khi thấy rõ vị thơm thanh mát.
19. Tỏi
Củ tỏi Trung Quốc có kích thước lớn, tép to, vỏ nhạt màu và dễ bóc nhưng ít mùi thơm hơn so với tỏi Việt Nam.
Tỏi ta củ nhỏ, nhiều tép, các tép không lớn, khó bóc vỏ. Về mẫu mã sẽ không đẹp bằng tỏi Trung Quốc nhưng mùi thơm hơn hẳn.
20. Gừng
Củ gừng của Trung Quốc thường có kích thước lớn, vỏ nhẵn nhụi, trông căng bóng, mọng nước. Lớp vỏ đã được vệ sinh sạch sẽ trước khi bán, vỏ ít nốt sầm, ruột vàng, ít xơ.
Gừng Việt Nam củ nhỏ hơn, vỏ dày và sần sùi hơn nhưng có mùi thơm và vị cay hơn.
(Theo Khỏe và Đẹp)