Alsthom Power là tập đoàn đa quốc gia hàng đầu về năng lượng của Pháp thế nhưng năm 1986 đứng trước tình thế bi đát: Rơi từ vị trí thứ 3 xuống thứ 6 thế giới, mỗi năm chỉ thắng một dự án tại Trung Quốc. Cũng năm nay một người Việt Nam 40 tuổi được chọn vào vị trí Phó tổng giám đốc (Deputy CEO) và sau đó hàng chục năm vực dậy lại tập đoàn này.
Ông chính là giáo sư Phan Văn Trường, một chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế, từng là cố vấn của chính phủ Pháp về thương mại quốc tế. Ông được Tổng thống Pháp đã trao tặng Huy chương Hiệp sĩ Bắc Đẩu Bội Tinh (Chevalier de la Légion d’Honneur) năm 2007 nhờ công lao đóng góp vào việc phát triển nước Pháp. Thế nhưng ít ai biết cách đây 50 năm ông từng phải kiếm sống bằng nghề trông trẻ trên xứ sở hoa lệ này để mưu sinh.
Và chính những trẻ nghèo khó sinh ra trong những gia đình nhập cư lại dạy ông bài học về quản trị vô giá dùng suốt sự nghiệp sau này.
Một trải nghiệm nhiều bất ngờ
Theo lời kể của giáo sư Trường, lúc mới học xong lớp Tú tài 2 (lớp 12) ông đã có lúc phải kiếm sống bằng nghề trông nom trẻ con đi nghỉ hè. Lũ trẻ mà ông từng quản không thuộc loại bình thường - gia cảnh của cha mẹ chúng có vấn đề, nếu không muốn nói là rất nhiều vấn đề. Họ từ nhiều chủng tộc di cư sang Pháp, có nhiều gia đình mới định cư chân ướt chân ráo, nói tiếng Pháp câu được câu không, còn một số khác cũng tới chỉ được vài năm. Cuộc sống của những gia đình này bấp bênh, không khác mấy những người vô gia cư, vô nghề nghiệp, và số lớn được hưởng quy chế xã hội tối thiểu để bù lương bổng lao động hẹp hòi.
Những năm 1964-1966 nhập cảnh vào Pháp khá dễ vì dân Pháp thuần túy không chịu làm một số nghề chân tay hoặc chạm tới vệ sinh công cộng nên dành những việc này cho người nhập cư, đồng thời luật nhập cư của nước này chưa chặt chẽ như đầu thế kỷ XXI.
Cứ đến mùa nghỉ học, anh thanh niên trẻ lại có cơ hội kiếm chút tiền còm bằng cách chăm lo cho lũ trẻ nheo nhóc này, nhất là vào hai tháng hè. Vào thời đó, theo lý giải của giáo sư Phan Văn Trường, nước Pháp cũng muốn trẻ con mới nhập cư được nghỉ hè như trẻ con Pháp. Một là để giữ sức khỏe thân thể và thăng bằng tinh thần cho chúng khi đưa chúng đi những nơi có biển, có núi, sông. Hai là lấy đó làm cơ hội giáo huấn chúng và cho phép chúng hòa đồng dễ dàng hơn với nếp sống bản xứ. Những đứa trẻ nhập cư này cũng mang đến cho chàng trai trẻ những ngày nghỉ tuyệt diệu mà hồi đó anh không có khả năng cáng đáng.
Theo quan sát của vị giáo sư này, con của người da màu định cư không những để lộ ra đủ thứ mặc cảm, chúng còn có những cá tính bất thường: đứa thì bạo lực và tất nhiên không sợ bạo lực, đứa thì lại buồn tủi hay khóc; đứa thì có tật ăn cắp đồ của bạn, thứ ăn cắp này ở ngay trong cá tính chứ không do sự thiếu thốn; đứa lại có trí tưởng tượng phong phú, ban ngày thì kể viển vông leo lẻo, ban đêm thì ngủ mê và phần lớn là ác mộng. Ông thường có 20 đứa trẻ như vậy để trông nom suốt mùa hè. Cứ mỗi 2 tuần lại có một nhóm mới tới, tiễn nhóm cũ về với gia đình. Tuổi chúng từ 8-15, chênh lệch khác nhiều.
"Tôi đâu ngờ là những năm làm công việc này vì kế sinh nhai sẽ giúp cho tôi sau này nắm vững hơn nghề quản trị", ông nhớ lại. Bởi lẽ những thử thách này hiếm có ai được trải nghiệm sớm như giáo sư Phan Văn Trường: Thời đó đưa 20 đứa trẻ con với lứa tuổi khác nhau đi tắm biển có nhiều sóng to, bắt chúng uống sữa buổi sáng trong khi phong tục bản xứ không có nếp uống sữa, ép ngủ trưa với những đứa bình thường quen lêu lổng ngoài đường, chế ra những trò chơi tập thể cho những đứa quen lủi thủi cá nhân, rồi phải thay đổi trò chơi mỗi ngày, không phải là chuyện dễ.
Đã thế ông làm gì chúng cũng phản đối. Sau này giáo sư Trường mới hiểu được thực ra chúng không quen tuân thủ bất kỳ ai, tôn trọng bất cứ luật lệ nào. Chúng đã thường phải đối mặt với những tình huống của người lớn, thói hay cãi lý, mà làm cái gì cũng cãi lý, mà cách cãi lý của chúng khác lắm. Mỗi lần bí lý thì chúng lại vịn vào cái vẻ của đứa trẻ bị bắt nạt vì nhỏ, nghèo, vô học… và cứ như thế khóc than chán rồi cuối cùng chúng cũng thắng thế vì không ai nỡ triệt hạ chúng, đè bẹp chúng.
Người lớn cũng không khác trẻ con là mấy
Thông thường người ta hiểu quản trị là ngồi trên ngồi trốc rồi vuốt râu ra lệnh. Nhưng làm sao ngồi vuốt râu ra lệnh với lũ nhóc con đang đánh nhau, trêu ghẹo nhau, ăn cắp kẹo bánh của nhau, và hay trờ tường trốn ra biển ban đêm? Làm sao chỉ huy bằng lời đe tiếng dọa một lũ không hiểu kỷ luật là gì? Thậm chí cũng không hiểu cả tiếng Pháp? Làm sao cho chúng đi có hàng có lối khi chúng đã quen thói vào bụi rậm bắt nhái, săn rắn độc hoặc đào củ sắn ăn?
Những cá nhân rất khác nhau chỉ chung sống hòa bình đưuọc nếu cả đội chia sẻ một dự án chung
"Thật vậy, mỗi giây mỗi phút với bọn nhóc con là một pha rùng rợn nhưng vẫn chứa đựng tâm lý. Mâu thuẫn, xung đột, cãi lý, ẩu đả, giữa những đứa trẻ Do Thái, Ả Rập, Phi Châu, rồi cả những đứa trẻ Pháp thuần túy trong những gia đình cực nghèo. Mỗi phút phải theo dõi xem chúng nó có làm bậy gì không", ông nhớ lại.
Sau này giáo sư Phan Văn Trường mới cảm nhận được người lớn cũng chẳng khác mấy trẻ con, người văn hóa hay không vẫn giữ còn lại trong AND cái gốc thô ác nghiệp, tham lam và cố chấp. Chỉ khác nhau ở độ trầm trọng và tài giấu diếm hay không thôi. Và do đó sự trải nghiệm với những đứa trẻ chưa học được nghệ thuật giấu tay, đạo đức giả là một cuộc học tập vô giá mà ông sẽ áp dụng sau này trong chiến lược kinh doanh.
Và bài học lớn nhất mà ông hấp thụ được là một đội với những cá nhân rất khác nhau chỉ chung sống hòa bình được nếu cả đội chia sẻ một dự án chung. Dự án đôi khi chỉ là một khu nhà xây trên cát, tập chơi bóng đá để hạ cho bằng được đội kia.
Giáo sư Trường cũng có dịp khám phá ra một điều rất đáng ngạc nhiên: cái lũ quái quỷ quậy đó, vừa hỗn láo vừa khuyết tật về mặt tinh thần đó có thể trở thành một đội cảm tử xuất sắc trong khoảnh khắc. Chỉ cần cho chúng một cơ hội để trổ tài, những lời khuyến khích chạm sâu vào tự ái của chúng, chỉ cần có nhân chứng sẵn sàng tôn vinh và nhìn nhận thành tích, và chỉ cần có một đứa trong đám nhỏ đó đứng lên lãnh đạo, vẽ đường chỉ lối cho cả đội.
* Bài viết tham khảo nội dung cuốn sách Một đời quản trị- GS Phan Văn Trường.