Bị đè nặng bởi những bất lợi trong hoạt động thương mại quốc tế và sự bất ổn ngày càng gia tăng, kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ tăng trưởng chậm lại trong 5 năm tới, trong đó rất nhiều nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm tốc và trong ngắn hạn tỷ trọng đóng góp của nền kinh tế này vào tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm xuống, từ mức 32,7% trong giai đoạn 2018 – 2019 xuống còn 28,3% đến năm 2024.
Cũng theo IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 sẽ là 3%, thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính, với 90% kinh tế thế giới bị ảnh hưởng.
Vậy thì hiện tại những nền kinh tế nào là quan trọng nhất và trong 5 năm tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đến từ đâu? Bloomberg đã sử dụng các dự báo của IMF, điều chỉnh theo phương pháp ngang giá sức mua, để xác định các cỗ máy tăng trưởng của kinh tế thế giới.
20 nền kinh tế đóng góp 85,8% tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2019. Việt Nam lọt top 20.
20 nền kinh tế sẽ đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng GDP toàn cầu từ nay đến năm 2024
Mỹ vẫn được dự báo sẽ đóng góp một phần rất quan trọng, mặc dù được dự báo sẽ rơi xuống vị trí số 3, đứng sau Ấn Độ. Đến năm 2024, tỷ trọng đóng góp của Mỹ sẽ giảm từ mức 13,8% xuống còn 9,2%, trong khi của Ấn Độ sẽ tăng lên 15,5%.
Indonesia tiếp tục giữ vị trí số 4 với nền kinh tế được dự báo sẽ đóng góp 3,7% tăng trưởng kinh tế toàn cầu, giảm một chút so với con số 3,9% của năm 2019.
Tầm quan trọng của kinh tế Anh sẽ giảm đi, tụt từ vị trí số 9 xuống số 13.
Mặc dù tỷ trọng đóng góp của kinh tế Nga hiện chỉ là 2% và theo dự báo sẽ giữ nguyên ở mức này trong 5 năm tới, Nga sẽ vượt Nhật Bản để vươn lên vị trí số 5. Nhật tụt xuống số 9. Brazil leo từ thứ 11 lên thứ 6. Tỷ trọng đóng góp của Đức giữ nguyên ở mức 1,6% và đứng thứ 7.
Theo IMF, các cỗ máy tăng trưởng mới trong top 20 trong 5 năm tới sẽ là Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Pakistan và Saudi Arabia, trong khi Tây Ban Nha, Ba Lan, Canada và Việt Nam bị loại khỏi top 20.