Cơ quan cố vấn của các quốc gia tiêu thụ năng lượng cho biết hôm 20/1 rằng tồn kho dầu toàn cầu (có thể theo dõi được) đã giảm hơn 600 triệu thùng trong năm ngoái. Điều này không có gì đáng nói nếu không có một thực tế là mức giảm đáng lẽ chỉ là 400 triệu thùng – dựa trên các ước tính về cung cầu.
Luôn có một khoảng cách giữa ước tính của IEA và lượng tồn kho thực tế nhưng mức chênh lên đến 200 triệu thùng cho thấy thị trường dầu mỏ đã có những biến động phức tạp hơn nhiều so với trước đây.
IEA cho rằng khoảng cách chênh lệch này có thể là kết quả của việc báo cáo nhu cầu hoặc báo cáo sản lượng bị vượt quá thông thường. Báo cáo hàng tháng của IEA là tiêu chuẩn cho các nhà giao dịch đang cố gắng đánh giá sự cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.
"Điều này cho thấy 2 năm qua là khoảng thời gian khó khăn trong việc phân tích và dự báo cung cầu", IEA cho biết. "Chúng tôi sẽ cải thiện công việc của mình vào năm 2022 để hiểu rõ hơn về thị trường".
Lượng dầu dự trữ sai lệch so với tính toán của IEA trong 2 năm qua.
Ngoài nguyên nhân về sự cân bằng cung cầu, vẫn còn một số yếu tố khác dẫn đến đánh giá sai lệch về lượng tồn kho dầu toàn cầu của IEA. Chẳng hạn, cơ quan này sử dụng ảnh vệ tinh để theo dõi các kho dự trữ dầu nên không thể quan sát các thùng dầu được lưu trữ trong các hang động khổng lồ dưới lòng đất.
Ngoài ra, báo cáo của IEA cũng có sai lệch nhất định. Họ chú trọng rất lớn vào các kho dự trữ ở các quốc gia OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) trong khi một lượng dầu lớn ở bên ngoài khu vực này không nằm trong báo cáo, đặc biệt ở Trung Quốc.
Đại dịch toàn cầu đã làm thay đổi việc tiêu thụ dầu và việc theo dõi nhu cầu đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Tham khảo: Bloomberg