Chỉ vài tuần nữa là đến Tết Nguyên đán. Thông thường, người chăn nuôi ở Trung Quốc sẽ bán hết đàn lợn của mình trong dịp Tết (khoảng 15 ngày) để đáp ứng nhu cầu tăng cao trên thị trường.
Tuy nhiên, năm nay hoàn toàn khác. Nhiều người không thể bán số lợn đã vất vả nuôi trong nhiều tháng qua bởi chính sách hạn chế vận chuyển lợn để ngăn chặn sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi.
Trong trường hợp này, nhiều người phải hạ sâu giá bán, chấp nhận chịu lỗ, thậm chí nếu không bán được họ buộc phải giết bớt để cắt lỗ, vì chi phí thức ăn chăn nuôi là cả một vấn đề lớn.
Theo ước tính sơ bộ, các trang trại có thể phải cắt giảm 20% lượng tái đàn, khiến Trung Quốc vốn đã luôn thiếu thịt lợn lại càng cần phải nhập khẩu thêm nữa từ nước ngoài.
Năm Kỷ Hợi sắp đến. Có thể năm con Lợn này sẽ chính là một năm khủng hoảng của thị trường thịt lợn Trung Quốc – trị giá tới 128 tỷ USD.
Có nguy cơ nhập khẩu thịt lợn vào Trung Quốc sẽ tăng vọt nếu dịch bệnh chưa được khống chế. Hiện nhiều trang trại lợn ở Trung Quốc đã đến kỳ xuất chuồng nhưng không thể bán được vì lệnh cấm vận chuyển ra ngoài tỉnh. Miền Nam Trung Quốc trở nên thiếu thịt lợn nghiêm trọng.
Mới phát hiện ở Trung Quốc từ tháng 8/2018 nhưng tới thời điểm này dịch tả lợn châu Phi đã lan tới 23 tỉnh thành của nước này, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc và Đông Bắc – trung tâm sản xuất thịt lợn của Trung Quốc. Mới đây nhất, tỉnh Quảng Đông đã phát hiện có dịch bệnh. Hơn 600.000 con lợn đã bị tiêu hủy trên toàn quốc tính tới thời điểm hiện tại.
Hàng năm Trung Quốc giết mổ khoảng 700 triệu con lợn để đáp ứng nhu cầu thịt lợn khổng lồ cho người tiêu dùng.
Tỉnh Hắc Long Giang – nơi cung cấp 1/3 số lợn giết mổ cho cả nước trong năm 2017 – đầu tháng 1/2019 đã phát hiện có dịch tả lợn tại một trang trại nuôi 73.000 con. Tỉnh này bị cấm vận chuyển ra bên ngoài. Một số tỉnh k hác như Hà Nam và Liêu Ninh cũng chịu sự kiểm soát tương tự.
Theo tính toán của Rabobank, trong trường hợp xấu nhất, người chăn nuôi lợn ở Trung Quốc có thể cắt giảm 20% số lợn nuôi trong năm 2018, tương đương khoảng 140 triệu con (nếu tính theo số lợn giết mổ năm 2017).
Nguy hiểm hơn nữa, nhiều nhà chăn nuôi thịt cả lợn nái, tức là việc tái đàn trong tương lai sẽ cần nhiều thời gian hơn.
Giá thịt lợn tại Trung Quốc gần đây giảm mạnh vì người chăn nuôi tăng cường giết mổ để tránh việc lợn bị nhiễm bệnh, khiến nguồn cung thịt tăng đột biến. Đến giữa tháng 12/2018, giá thịt lợn tại các tỉnh phía Đông Bắc đã giảm 31% so với cùng kỳ năm trước, còn ở phía Bắc giảm 15%, theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn nước này.
Một trong những trang trại lớn nhất Trung Quốc (Muyuan Foodstuff Co ở tỉnh Hà Nam) vừa cho biết lợi nhuận ròng của trang trại trong năm 2018 có thể giảm tới 79%, trong khi trang trại lớn khác chuyên cung cấp lợn giống, Wens Foodstuffs Group Co., thông báo lợi nhuận giảm 41%.
Nhưng giá có thể sẽ tăng trở lại từ giữa năm nay, thậm chí có thể tăng mạnh, và đối tượng bị ảnh hưởng lớn khi đó sẽ là người tiêu dùng. Theo ông Zhu Zengyong, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện thông tin Nông nghiệp – Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, nước này có thể phải tăng mạnh nhập khẩu thịt lợn từ nước ngoài.
Hiệp hội Thịt Trung Quốc cũng nhất trí với nhận định này, cho rằng lượng nhập khẩu năm nay sẽ cao kỷ lục bởi người chăn nuôi không tái đàn trong khi số lượng lợn nái và lợn con bị sụt giảm.
Như vậy, giá lợn tại Trung Quốc có thể sẽ còn tăng mạnh tới cuối 2019, thậm chí kéo dài hơn nữa.Xuất khẩu thịt lợn hướng đến các thị trường khó tính