Di sản thế giới mới chỉ hút 12 triệu khách tham quan
Quảng Ninh với vị trí địa lý sơn thuỷ hữu tình đã tạo nên một "kỳ quan đá dựng giữa trời cao" - Vịnh Hạ Long (trích Nguyễn Trãi). Tuy nhiên, di sản thiên nhiên thế giới này hiện mới chỉ hấp dẫn trên 12,2 triệu lượt khách đến tham quan năm 2018.
Tại hội thảo “ Du lịch Quảng Ninh – Vươn tầm di sản” tổ chức tại Trung tâm hội nghị quốc tế - Quần thể nghỉ dưỡng FLC Hạ Long, ngày 19/4, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết Quảng Ninh được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh với các địa điểm du lịch, di tích quốc gia, biển đảo, bãi tắm du lịch nổi tiếng. Tỉnh đã có hệ thống hạ tầng hiện đại, các đường cao tốc từ Hải Phòng - Hạ Long kết nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, có đường cao tốc đi sân bay quốc tế Vân Đồn và đang khởi công xây dựng đường cao tốc từ Vân Đồn đến Móng Cái.
Ngành Du lịch Quảng Ninh trong năm 2018 đã đón 12,2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 5,2 triệu lượt. Tổng thu đạt trên 24.000 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ, thu ngân sách tăng 31% so với cùng kỳ. Các khách sạn, dịch vụ, sản phẩm mới được ra đời. Nhận thức về du lịch của cộng đồng người dân cao hơn.
So với lượng khách du lịch trên cả nước trong năm 2018 là 95,5 triệu lượt, tỷ trọng khách duc lịch đến Quảng Ninh mới chỉ chiếm 12,77%, tương ứng 12,2 triệu lượt. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Quảng Ninh đạt 5,5 triệu lượt, chiếm tỷ trọng 35,48% trong tổng lượng khách quốc tế cả nước. Khách trong nước đến Quảng Ninh cũng chỉ chiếm 8,38%.
Tuy nhiên, tỷ trọng khách quốc tế đạt 5,5 triệu lượt (46%) đang áp đảo so với khách nội địa 6,7 triệu lượt (54%) trong tổng lượng khách đến Quảng Ninh.
Theo ông Nguyễn Đức Long, tỉnh Quảng Ninh đã đặt ra mục tiêu đưa du lịch thành ngành mũi nhọn với hệ thống hạ tầng hiện đại, trở thành một trong những đầu tàu để phát triển kinh tế. Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt 15 -16 triệu lượt khách trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế. Đến năm 2030, đặt mục tiêu đạt 30 triệu lượt trong đó khách quốc tế đạt 15 triệu lượt.
Năm 2018, du lịch đóng góp 9% GDP. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 du lịch sẽ đóng góp 10 – 11% GDP, tạo 100.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp. Việc nâng cao nhận thức về phát triển du lịch để du lịch không chỉ là của cộng đồng doanh nghiệp mà cả của người dân địa phương trên toàn địa bàn tỉnh.
Di sản quốc tế - Chất lượng nhân sự phải quốc tế
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Quảng Ninh như một Việt Nam thu nhỏ, là vùng đất có sự đa dạng văn hóa gắn với đặc sắc 22 thành phần dân tộc chiếm gần một nửa trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, có di sản văn hóa tâm linh Yên Tử và kì quan thế giới Vịnh Hạ Long. Philip Kotler, cha đẻ marketing thế giới đã từng đặt câu hỏi tại sao Việt Nam không trở thành “bếp ăn của thế giới”, ý là tại sao không trở thành điểm đến hàng đầu của thế giới. Vậy chúng ta lại đặt câu hỏi, tại sao Quảng Ninh không trở thành điểm đến hàng đầu của Việt Nam và tiến tới của cả thế giới? Để làm được điều này, mỗi người dân có thể trở thành một đại sứ du lịch.
Quảng Ninh đặt mục tiêu vươn ra thế giới nhưng vẫn phải giữ gìn vè đẹp hoang sơ của thiên nhiên. Yếu tố đảm bảo thành công là xây dựng được mối liên kết phát triển giữa các tỉnh. Các tỉnh cần ngồi lại với nhau để xây dựng chiến lược tổng thể trong cả khu vực.
“Ở đây tôi cũng muốn nói đến sự hiện diện của các tập đoàn lớn như Tập đoàn FLC, Vin, Sungroup, những đóng góp của họ góp phần tạo nên câu chuyện cổ tích của Quảng Ninh”, ông Lộc nhấn mạnh.
Còn theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, trong thời gian gần đây, khách du lịch đến với Quảng Ninh mới biết đến một số địa danh nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Yên Tử... Tuy nhiên, thực tế Quảng Ninh còn có 600 di tích lịch sử văn hóa trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 3 di tích cấp quốc gia, 8 di tích cấp tỉnh. Có thể thấy, Quảng Ninh được thiên nhiên ưu ái ban cho điều kiện tự nhiên, văn hóa làm tiền đề phát triển du lịch.
Từ 30/12/2018, tỉnh Quảng Ninh đã đưa vào khai thác cảng tàu du lịch, cảng đã đón gần 50 chuyến tàu, Vân Đồn cũng đón gần 50.000 người. Kết nối phát triển du lịch phải nằm trong kết nối với các địa phương cả nước và nước ngoài. Các tour lữ hành sẽ có điều kiện phát triển hơn, mở ra hội nhập quốc tế.
Các tập đoàn kinh tế đã tạo ra bộ mặt du lịch khang trang hơn, hạ tầng du lịch đều đạt đẳng cấp quốc tế đóng góp mạnh vào phát triển tỉnh. Tuy nhiên, Quảng Ninh chưa có đường hàng không nên kết nối khó khăn. Đã có rất nhiều hãng hàng không đã đặt vấn đề với tỉnh để kết nối các địa bàn trong nước và nước ngoài tạo thành vòng cung khép kín, tiết kiệm thời gian đi lại cho khách du lịch.
Muốn khách du lịch đến và ở lại dài ngày chúng ta phải mở rộng không gian du lịch. Cũng đã có các tập đoàn kinh tế lớn đặt hạ tầng tại các địa điểm như Quan Lạn, Cô Tô, Vân Đồn… Nhưng nếu không gian du lịch không được mở rộng sẽ không kéo được khách du lịch mà còn dẫn đến sự quá tải cục bộ.
“Để phát triển du lịch đẳng cấp quốc tế, ngoài hạ tầng tốt cần có nguồn nhân lực cao và đẳng cấp quốc tế. Không chỉ là việc đào tạo nhân lực cấp cao mà cả nhân lực cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân, vì du lịch liên quan đến văn hóa, ông Thuỷ nói.
Đồng tình quan điểm này, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hiệp hội các tổ chức dịch vụ và phát triển kinh doanh Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn FLC, cho rằng nhân lực du lịch của Quảng Ninh còn thiếu và yếu, trong một năm chúng tôi có thể xây khách sạn 1-2 nghìn phòng, cần 3 nghìn lao động, thế nhưng lao động lấy ở đâu? Hay như ở Thanh Hóa, chúng tôi được cấp phép 5 sao cho hạ tầng nhưng nhân lực nói thực mới chỉ 3 sao đổ lại.
Quảng Ninh cần mở các khóa đào tạo, cần mời chuyên gia về đào tạo của Việt Nam để đào tạo nhân lực 5 sao để thu tiền được 5 sao, chứ không chỉ thu tiền được 3 sao.