Sau nhà sáng lập Jack Ma, có lẽ không ai thất vọng về việc cổ phiếu của tập đoàn Alibaba đã “bốc hơi” tới 52% trong năm qua hơn tỷ phú Masayoshi Son.
Dù sao, Chủ tịch kiêm CEO tập đoàn SoftBank là người đã giúp Masayoshi Son - khi đó là một giáo viên tiếng Anh ít người biết đến ở Hàng Châu - tạo ra một trong những công ty khởi nghiệp công nghệ lớn nhất của Trung Quốc. Đó là vào năm 2000, khi tỷ phú Masayoshi Son quyết định đầu tư cho Jack Ma 20 triệu USD trong vòng gọi vốn tiền hạt giống của Alibaba.
Khoản đầu tư đã mang lại cho tỷ phú Masayoshi Son khoản lợi nhuận khổng lồ. Khi công ty thương mại điện tử của tỷ phú Jack Ma niêm yết trên sàn chứng khoán New York (Mỹ) năm 2014, giá trị số cổ phần của tỷ phú Masayoshi Son tại Alibaba đã lên tới 50 tỷ USD. Không dừng lại ở đây, 3 năm sau, tỷ phú Masayoshi Son đã thành lập quỹ Vision Fund trị giá 100 tỷ USD, với mục tiêu một lần nữa đạt được những thành công tương tự.
Mọi thứ diễn ra khá suôn sẻ, tất nhiên đi kèm với đó là không ít thất bại, ví dụ như vụ đầu tư vào startup chia sẻ văn phòng WeWork. Và chắc chắn, vị tỷ phú này sẽ không thể quên được năm 2021, quãng thời gian khó khăn nhất trong sự nghiệp đầu tư của ông từ khi lập nghiệp đến nay, do những chính sách siết chặt quản lý các tập đoàn công nghệ lớn của chính phủ Trung Quốc.
Thật trớ trêu khi sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ mà tỷ phú Jack Ma đã góp phần tạo dựng cách đây 21 năm giờ đây lại là nguyên nhân dẫn tới những thiệt hại ngày càng tăng cho Softbank trong năm 2021. Bắt đầu từ tháng 10, tháng 11 năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp siết chặt quản lý các tập đoàn công nghệ lớn, bao gồm việc đình chỉ đợt IPO trị giá 37 tỷ USD của tập đoàn Ant dưới trướng tỷ phú Jack Ma. Nếu thành công, đây sẽ là vụ IPO lớn nhất thế giới.
Tỷ phú Son cũng là nhà đầu tư lớn của gã khổng lồ dịch vụ gọi xe Didi Global. Đầu tháng 12, Didi Global đã phải tuyên bố hủy niêm yết trên sàn chứng khoán New York, cách thời điểm IPO chưa đầy 6 tháng.
Bên ngoài Trung Quốc, vị Chủ tịch Softbank cũng đang phải đối mặt với không ít vấn đề. Các nhà quản lý Mỹ đang cố gắng ngăn SoftBank bán công ty bán dẫn Arm Ltd. cho Nvidia Corp, trong khi Son đã kỳ vọng sẽ kiếm được khoản thu khổng lồ trị giá 80 tỷ USD từ giao dịch này.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn tới việc cổ phiếu Softbank sụt giảm tới 30% trong 12 tháng qua chủ yếu là do vấn đề chính sách của Trung Quốc. Và những vấn đề này chắc chắc sẽ kéo theo không ít rắc rối về vốn hóa thị trường vào năm 2022. Xét cho cùng, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn quản lý được các tập đoàn công nghệ lớn cũng như các lĩnh vực bất động sản, giáo dục… Và cũng không ai biết rõ nước này sẽ có những động thái gì tiếp theo.
Tin tốt cho tỷ phú Son là quỹ Vision Fund hiện đang có sự đa dạng hóa đầu tư hợp lý khi rót vốn vào một loạt các startup ở khắp các quốc gia trên thế giới như Brazil, Columbia, Ấn Độ, Đức, Indonesia, Kenya, Singapore, Hàn Quốc…
Tin xấu là những vụ đầu tư vào các startup của Trung Quốc có thể sẽ chịu nhiều ảnh hưởng trong trung hạn. Chính phủ Trung Quốc đang rót hàng nghìn tỷ USD để sở hữu tương lai của các ngành như hàng không vũ trụ, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, tiền tệ kỹ thuật số, xe điện, tiến bộ 5G, năng lượng tái tạo, robot, chất bán dẫn và tạo ra các kỳ lân công nghệ mới. Đây cũng là chính là những lĩnh vực mà ông chủ SoftBank cần và nên đầu tư nếu thực sự muốn thu về những khoản lợi nhuận lớn. Và tất nhiên, tỷ phú Nhật Bản cũng nổi tiếng là người rất kiên nhẫn trong việc chờ đợi để hái được “quả ngọt” từ các thương vụ đầu tư của mình.
Dẫu vậy, động lực lớn sẽ định hình tương lai của Trung Quốc là kế hoạch Made in China 2025 của chính phủ nước này. Cũng vì vậy, ông Son có khả năng sẽ phải định vị lại chỗ đứng của Vision Fund để duy trì sự phù hợp cũng như tác động đến làn sóng các kỳ lân công nghệ tiếp theo của Trung Quốc.
Song, trong khi rất ít quỹ đầu tư quốc tế bị ảnh hưởng bởi chính sách siết chặt các tập đoàn lớn của chính phủ Trung Quốc thì quỹ Vision Fund lại không như vậy. Việc Vision Fund được đánh giá là một trong những công ty đầu tư mạo hiểm có ảnh hưởng nhất trên toàn cầu hầu như không giúp ích được gì. Điều này khiến Vision Fund phải thay đổi mục tiêu ra bên ngoài Trung Quốc đại lục.
Điều này đúng với Ấn Độ cũng như bất kỳ nền kinh tế lớn nào. “Chỉ trong năm nay, chúng tôi đã đầu tư 3 tỷ USD vào Ấn Độ", tỷ phú Son mới đây cho biết. “Chúng tôi là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Ấn Độ. Chúng tôi là nhà cung cấp khoảng 10% nguồn vốn của tất cả các kỳ lân ở Ấn Độ", CEO Softbank ước tính, các công ty do tập đoàn này hậu thuẫn đã tạo ra hơn 1 triệu việc làm trong nền kinh tế lớn số 3 châu Á.
Hiện, tỷ phú Son đang chuyển hướng sang thị trường quê hương của mình ở Nhật Bản.
Bên cạnh việc tái tạo lại một vụ đầu tư thành công tương tự như Alibaba, quỹ Vision Fund còn đang nỗ lực đa dạng hóa hệ thống kinh tế cứng nhắc và già cỗi của Nhật Bản. Như tỷ phú Son từng lưu ý, Nhật Bản đã đánh mất lợi thế sáng tạo, yếu tố từng là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một thời. Trong những tháng gần đây, tỷ phú Son đã tiết lộ kế hoạch xây dựng một đội ngũ đầu tư mạo hiểm hoạt động trên khắp Nhật Bản, với mục tiêu rót vốn cho các công ty khởi nghiệp xứng đáng.
Thế nhưng, điều trớ trêu là, sự phục hồi của Nhật Bản hậu Covid-19 phần lớn lại gắn liền với hoạt động của nền kinh tế Trung Quốc. Và nền kinh tế Trung Quốc sắp tới sẽ hoạt động ra sao thì lại là một câu hỏi còn đang bỏ ngỏ.
Cùng với việc siết chặt lĩnh vực bất động sản, vốn không được quản lý chặt chẽ dẫn tới tình trạng tăng trưởng quá nóng những năm gần đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng dần mạnh tay hơn với lĩnh vực công nghệ.
Có một lập luận rằng Bắc Kinh muốn tránh lặp lại tình trạng mà Mỹ đã vấp phải, khi quyền lực của các tập đoàn công nghệ như Facebook, Google hay Amazon trở nên quá lớn, đến mức có thể tác động tới cả hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới những tham vọng đầu tư mạo hiểm của Softbank nói riêng cũng như tương lai của lĩnh vực công nghệ quốc gia này nói chung.