Earth Overshoot Day – Ngày trái đất vượt ngưỡng - là một chiến dịch của tổ chức GFN đề ra nhằm cảnh tỉnh con người về các nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn của Trái đất. Nó được tính bằng cách so sánh lượng tài nguyên sinh thái mà Trái đất có thể tái tạo trong một năm với nhu cầu tiêu thụ của loài người trong năm đó.
Như vậy, khi bước qua ngày này, con người đã chính thức sử dụng hết nguồn tài nguyên có thể phục hồi trong năm đó. Mọi hoạt động của con người sau mốc đó chính là đang sử dụng một phần tài nguyên của các thế hệ sau.
Năm 2019, theo GFN, ngày vượt ngưỡng của Trái đất rơi vào hôm 29/7. Đến sớm hơn 2 ngày so với với năm 2018 (1/8) và 4 ngày so với năm 2017 (3/8).
Số liệu cho thấy nhân loại đang sử dụng tài nguyên nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ của hệ sinh thái. Cụ thể, để đáp ứng được yêu cầu của con người, cần tới 1,75 trái đất chứ không phải 1 như hiện tại.
Tại Việt Nam, overshoot day 2019 rơi vào ngày 8/10. Trong khi đó, năm 2018, ngày này đến muộn hơn, rơi vào ngày 21/12.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững vừa qua đã khẳng định phát triển bền vững vừa là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội. Chủ trương phát triển bền vững được thể hiện nhất quán trong các văn kiện, các chương trình, kế hoạch phát triển đất nước trong từng thời kỳ.
Việt Nam đã và đang tích cực tham gia có hiệu quả vào các sáng kiến bảo vệ môi trường toàn cầu.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhận định rằng các kết quả hiện nay vẫn chưa tương xứng khi năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế chưa được cải thiện nhiều, tình trạng khai thác và sử dụng kém hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm ô nhiễm môi trường…
Theo đó, ông đề nghị cần thống nhất về nhận thức và hành động trong tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển bền vững.
Bên cạnh từ phía Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có nhiều cam kết về bảo về việc sản xuất bền vững, an toàn, thân thiện với môi trường.