Chi 100 tỷ nắm giữ quỹ đất 19.000 tỷ
Năm 2016, Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK) Hà Nội đã tổ chức phiên đấu giá cổ phần của Công ty TNHH MTV Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Quốc tế (Interserco). Theo đó, 21 nhà đầu tư tham gia đấu giá để mua 9,9 triệu cổ phần. Với giá bình quân 10,102 đồng/CP, Interserco chỉ thu về hơn 100 tỷ đồng.
Đây không phải phiên đấu giá “hot” vì Interserco không phải công ty nổi danh trên thị trường. Vì vậy, cho tới khi cổ phiếu ILS giao dịch trên UpCOM (từ ngày 19/3/2018), ILS mới được chú ý vì sở hữu quỹ đất “khủng” có giá trị rất cao.
Theo bảng công bố thông tin của Interserco, hiện tại, Interserco đang nắm giữ 94.059 m2 đất ở 17 Phạm Hùng – Nam Từ Liêm – Hà Nội và 21.081 m2 đất ở Cụm 4, xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức – Hà Nội.
17 Phạm Hùng là khu đất nằm ở vị trí đắc địa nên mỗi m2 có giá hàng trăm triệu đồng. Tính ở mức thấp 200 triệu đồng/m2 thì 94.059 m2 đất mặt đường Phạm Hùng có giá trị hơn 18.800 tỷ đồng. Còn đất ở xã Sơn Đồng, “bán vội” cũng được hơn 200 tỷ đồng. Như vậy, tổng 2 khu đất tương đương 19.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giá trị khu đất này không được hạch toán vào giá trị doanh nghiệp. Theo báo cáo tài chính năm 2017, tại thời điểm 31/12/2017, tài sản cố định vô hình được xác định chỉ là 392 triệu đồng. Giá trị quyền sử dụng đất không được tính đến vì khu đất ở Phạm Hùng là đất Nhà nước cho thuê, trả tiền hàng năm (thời hạn 50 năm từ 2003-2053). Như vậy, khu đất này còn được quyền thuê 35 năm nữa.
Việc không hạch toán quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa là vấn đề gây tranh cãi trong nhiều năm qua. Nó được đánh giá là khiến giá trị doanh nghiệp bị tính toán quá thấp dẫn đến doanh nghiệp bị bán rẻ và thất thoát vốn nhà nước.
Cổ phần hóa Kem Tràng Tiền và Hãng phim truyện Việt Nam là những ví dụ điển hình nhất. Được quyền sử dụng mảnh đất nghìn tỷ mặt phố Tràng Tiền nhưng công ty Kem Tràng Tiền chỉ được định giá 32 tỷ đồng. Sở hữu đất vàng ven Hồ Tây nhưng Hãng phim truyện Việt Nam chỉ có giá…. 0 đồng khi cổ phần hóa.
0 đồng vẫn được góp vốn
Các mảnh đất kể trên không được xác định giá trị thế nhưng Interserco vẫn có thể dùng để góp vốn thành lập công ty.
Cụ thể, theo Bảng công bố thông tin của Interserco, 35.070 m2 đất ở 17 Phạm Hùng được Interserco góp vốn hợp tác thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Vimediland theo Quyết định số 6988/QĐ-UBND ngày 18/12/2015. Giá trị phần vốn góp bằng đất này của Interserco không được tiết lộ.
Còn theo báo cáo tài chính năm 2017, Vimediland có vốn điều lệ 290 tỷ đồng. Interserco góp 75,4 tỷ đồng vào Vimediland, tương ứng 26% vốn công ty bằng tài sản trên đất, giá trị lợi thế quyền khai thác tài sản trên đất tại số 17 Phạm Hùng và từ nguồn tiền do các đối tác khác bồi thường hỗ trợ. 2 cổ đông sáng lập còn lại là Công ty Cổ phần Bất động sản AZ và cá nhân bà Phạm Thị Hạnh.
Không chỉ có vậy, với 11.960 m2 đất ở 17 Phạm Hùng, Interserco góp vốn bằng tài sản trên đất thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Quốc tế. Công ty này đã hoạt động từ năm 2008. Hoạt động được 10 năm nhưng công ty này khá “kín tiếng” và không có dự án công khai nào.
“Ma trận” đầu tư
Việc Interserco mang đất thuê đi góp vốn lập công ty đã khiến dư luận đặt ra câu hỏi lớn. Nhưng chưa hết, thông tin đầu tư của Interserco cũng khó hiểu không kém.
Ngày 11/7, Bộ Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn cấp giấy phép xây dựng dự án tổ hợp thương mại và căn hộ cao cấp City of Dream tại khu đất số 17 đường Phạm Hùng tới Vimediland. Như vậy, có thể thấy, Vimediland là chủ đầu tư của dự án City of Dream.
Thế nhưng, trên website của dự án, chủ đầu tư lại được giới thiệu là Công ty Cổ phần Vimefulland. Vimefulland vốn là công ty bất động sản do Tập đoàn dược phẩm Vimedimex thành lập năm 2014. Vimefulland sở hữu rất nhiều dự án đình đám trên thị trường dù sinh sau đẻ muộn.
Như vậy, thông tin về chủ đầu tư City of Dream khá nhiễu loạn. Không dễ gì khách hàng biết được Vimediland hay Vimefulland mới là đơn vị triển khai và khai thác dự án. Và 2 cái tên này được viết khá giống nhau cũng khiến người khác đặt ra nhiều câu hỏi.
Lợi nhuận èo uột, nợ vay tứ phương
Chen chân vào bất động sản, lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn nhưng bản thân Interserco lại trong tình trạng dòng tiền yếu, lợi nhuận èo uột, vay nợ từ ngân hàng tới lãnh đạo công ty.
Năm 2017, lợi nhuận sau thuế của Interserco chỉ đạt 2,4 tỷ đồng, giảm 5,5 tỷ đồng, tương ứng 70% so với năm 2016. Lãi Interserco lao dốc khi doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ ít biến động như doanh thu tài chính lại giảm rất mạnh. Tới cuối năm 2017, công ty lỗ lũy kế 26 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2017, tổng nợ tại đơn vị này chỉ là 62 tỷ đồng, chiếm 9% tổng nguồn vốn. Tỷ trọng không quá lớn nhưng nợ vay vẫn là áp lực của Interserco. Năm 2017 và 2016 công ty phải chi 709 triệu và 1 tỷ đồng trả lãi vay.
Thậm chí, Interserco còn phải xin xóa nợ ngân hàng. Trước đó, để giảm lỗ năm 2014 từ nguồn lãi vay phải trả ngân hàng số tiền là hơn 23,7 tỷ đồng, công ty đề nghị ngân hàng xem xét xử lý xóa nợ lãi vay phải trả theo quy định.
Ngoài ra, không chỉ vay ngân hàng, Interserco còn phải vay nhiều cá nhân với giá trị khoản vay từ 200 triệu đồng trở lên. Trong năm 2017, Interserco vay nhiều cá nhân như ông Đặng Tài Hùng, bà Phùng Ngọc Dung, bà Bùi Thị Minh Tân...
Vy Vy