Theo thông tin mới nhất, các đoàn có số lượng đại biểu tham dự nhiều nhất là Indonesia (50 đại biểu), Nhật Bản (36 đại biểu), Campuchia và Mexico (26 đại biểu), Malaysia (25 đại biểu), đặc biệt là Canada có 18 đại biểu nhưng có tới 14 nghị sĩ Quốc hội, Phó Trưởng ban tổ chức APPF-26 Nguyễn Văn Giàu cho biết trong cuộc họp báo trước lễ khai mạc, diễn ra trong 4 ngày từ ngày 18 đến 21/1.
Đây là lần thứ 2 Việt Nam đăng cai tổ chức APPF. Trong sự kiện năm 2005, Việt Nam chọn thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh làm nơi đăng cai APPF-13. Tuy nhiên, APPF-26 đặc biệt bởi Hội nghị diễn ra trong bối cảnh APPF tròn 25 năm hình thành và phát triển.
APPF năm nay có chủ đề Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững với chương trình nghị sự được chia làm 4 phiên gồm Các vấn vấn đề chính trị và an ninh; Các vấn đề kinh tế và Thương mại; Các vấn đề hợp tác phát triển trong khu vực; và về APPF. Trong vai trò nước chủ nhà, Việt Nam đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm đảm bảo chương trình nghị sự thành công.
Tại phiên họp nữ nghị sĩ với chủ đề thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng sẽ tham dự và có các bài phát biểu. Bà Trương Thị Mai – Trưởng ban Dân vận Trung ương – sẽ phát biểu dẫn đề cho Hội nghị.
Trong phiên họp về Các vấn đề kinh tế và Thương mại, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ tham dự và phát biểu. Trong phiên họp về Các vấn đề hợp tác phát triển trong khu vực, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ tham dự và phát biểu trong khi Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình sẽ giúp điều hành.
Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF) do Cựu Thủ tướng Nhật bản Yasuhiro Nakasone đặt nền móng là một diễn đàn dành cho các nghị sỹ, nghị viện các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm mục tiêu hỗ trợ trực tiếp cho Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
APPF hành động để thúc đẩy sự gắn bó và hợp tác khu vực hơn nữa với trọng tâm được hướng vào: Hợp tác vì sự phát triển hơn nữa của hòa bình, tự do, dân chủ và thịnh vượng; hợp tác mở và đồng đều nhằm mở rộng thương mại tự do và đầu tư, phát triển bền vững và các hoạt động môi trường hợp lý; và hợp tác phi quân sự, là hoạt động sẽ dành sự quan tâm thích hợp đối với các vấn đề liên quan đến an ninh và hòa bình của khu vực.
Hiến chương thành lập của APPF là Tuyên bố Tokyo, văn kiện được ký kết bởi 59 nghị sĩ từ 15 quốc gia, thiết lập cấu trúc cơ bản của tổ chức. APPF được thành lập ngày 15/3/1993 và Quốc hội Việt Nam tham gia APPF từ tháng 1/1995.