Đó là thông tin được ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng Giám Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) - cho biết về lộ trình chuyển đổi thẻ ATM sang thẻ chip.
Ông Minh cho biết, đến thời điểm này, quá trình chuẩn bị về quy trình, hạ tầng, nguồn lực, kỹ thuật... để sẵn sàng hỗ trợ tất cả ngân hàng thương mại trong quá trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chíp, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành tại Thông tư 41/2018/TT-NHNN, sửa đổi Thông tư 19 về hoạt động thẻ ngân hàng.
Đến nay, bộ tiêu chuẩn thẻ chip Việt Nam đã được xây dựng theo chuẩn riêng cho thị trường Việt Nam, nhưng vẫn tương thích với chuẩn quốc tế. Đến nay, đã có 7 ngân hàng tham gia chuyển đổi gồm: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, Sacombank, TPbank, ABBank. Đây là các ngân hàng có số lượng thẻ lớn, ước tính số lượng thẻ của 7 ngân hàng này chiếm khoảng 70% tổng số thẻ trên cả nước.
Đến cuối năm nay, có ít nhất 21 triệu thẻ từ được chuyển đổi thành thẻ chip. (Ảnh minh họa). |
Hiện tại, các ngân hàng thương mại đã phát hành lũy kế khoảng 130 triệu thẻ ATM. Nhưng số lượng thẻ thực tế đang hoạt động có thể chỉ vào khoảng 70 triệu thẻ.
Kể từ ngày 28/5, 7 ngân hàng thương mại này sẽ phát hành ra thị trường những chiếc thẻ ATM làm bằng công nghệ chip có tính bảo mật cao để thay cho thẻ từ đang sử dụng hiện nay.
Dự kiến, đến cuối năm nay, sẽ có ít nhất 30% số thẻ đang lưu hành phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, tương đương khoảng 21 triệu thẻ ATM được chuyển đổi sang thẻ chip. Hạn chót cho việc chuyển đổi toàn bộ thẻ ATM trên thị trường sang thẻ chip là cuối năm 2021.
Việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip an toàn, bảo mật, an ninh, đa tiện ích. Việc áp dụng tiêu chuẩn công nghệ thẻ chip sẽ hạn chế tình trạng Skimming (cách đánh cắp thông tin thẻ ATM bằng đầu đọc giả mạo) cũng như các nguy cơ mất an toàn khác như hiện nay.
Việc áp dụng đồng bộ tiêu chuẩn thẻ chip giữa các tổ chức tín dụng, đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán giúp gia tăng nhiều tính năng, tiện ích cho khách hàng, góp phần quan trọng cho thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Đáng chú ý, ưu điểm vượt trội của thẻ chip không tiếp xúc là giao dịch rất nhanh, với các giao dịch giá trị nhỏ sẽ không cần nhập pin/ký mà vẫn có thể giao dịch được. Thẻ có thể vẫn để trong ví, chỉ cần chạm vào thiết bị chấp nhận thẻ khi giao dịch. Do đó, việc dùng thẻ chip rất an toàn.
Nhiều nước trong khu vực như cũng đang xúc tiến kế hoạch chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip. Thống kê cho thấy, tỷ lệ giao dịch giả mạo, gian lận đã giảm đột biến khi chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip.
Một vấn đề được rất nhiều chủ thẻ quan tâm là liệu có tốn phí chuyển đổi, bởi thực tế, chi phí để sản xuất một chiếc thẻ chip cao hơn khá nhiều so với thẻ từ thông thường.
Được biết, hiện chưa có văn bản chính thức nào của các bên về quy định liên quan đến phí chuyển đổi nhưng trong các cuộc họp ban chỉ đạo, các bên vẫn đang giữ quan điểm rằng ngân hàng sẽ phải có trách nhiệm chuyển đổi thẻ cho khách hàng.
Theo đó, mỗi ngân hàng sẽ có chính sách riêng cho khách hàng nhưng được biết các ngân hàng sẽ có chính sách đặc biệt cho chuyển đổi để hỗ trợ thị trường, khách hàng. Được biết, chi phí cho phôi thẻ đổi cho khách chiếm tỷ lệ không lớn trong toàn bộ chu trình phát triển dịch vụ thẻ của ngân hàng nên nhiều ngân hàng đều có chủ trương hỗ trợ khách.
Trong khi đó, việc chuyển đổi sẽ theo lộ trình không gây xáo trộn. Đầu tiên là các thẻ phát hành mới, thẻ đến hạn... sau cùng đó mới đến thời điểm chuyển đổi theo yêu cầu cho tất cả khách hàng.