Chúng ta đang sống trong một thế giới mà việc xúc phạm, lăng mạ đã trở thành "vũ khí" được nhiều người lựa chọn.
Ngay cả với những người mà ta yêu thương, đôi lúc họ vẫn công kích bạn khi cảm thấy phật ý hoặc bị đe dọa. Nhưng, không phải ai cũng biết rằng, việc xúc phạm người khác được "thiết kế" để tạo ra tổn thương thay vì giúp nhau tốt lên.
Vậy, cần phải làm gì khi ta bị kẻ khác xúc phạm?
Dưới đây là ví dụ xác đáng nhất, về cách ta nên phản ứng lại trước những lời xúc xiểm. Và nó đến từ Steve Jobs, cố CEO nổi tiếng của Apple.
Steve Jobs
Steven Paul "Steve" Jobs (24/2/1955 - 5/10/2011) là doanh nhân và nhà sáng chế người Mỹ. Ông là nhà đồng sáng lập, chủ tịch kiêm cựu tổng giám đốc điều hành của hãng Apple.
Steve Jobs được coi là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất trong ngành công nghệ. Ít ai biết rằng, Jobs từng là CEO của xưởng phim Pixar, thành viên ban giám đốc của Walt Disney (2006). Thậm chí, ông cũng là người điều hành việc sản xuất của bộ phim Câu chuyện Đồ chơi (Toy Story 1995).
Bài học chấn động giới công nghệ mà Steve Jobs gửi đến kẻ đã móc mỉa ông
Năm 1997, Steve Jobs trở lại Apple, nơi ông từng bị lật đổ hơn 10 năm về trước. Trong hội toàn cầu của Apple, ông đã trả lời các câu hỏi của các nhà phát triển. Cho đến khi một người đàn ông đứng lên và bắt đầu xỉa xói Jobs:
"Ông Jobs, ông quả là một người đàn ông thông minh và có ảnh hưởng".
"Đây rồi!" Jobs đáp lại, còn khán giả ở dưới cười khúc khích.
"Rõ ràng là trong nhiều chuyện ông chẳng biết ông đang nói gì. Chẳng hạn tôi muốn ông trình bày một cách chính xác java và các biểu hiện của nó được thể hiện trong ý tưởng của OpenDoc như thế nào? Và sau khi trả lời xong, ông có thể nói cho chúng tôi biết bản thân ông đã làm gì trong 7 năm qua?"
Với hầu hết mọi người, một cuộc công kích công khai như vậy, chắc hẳn sẽ khiến ta bối rối hoặc rơi vào căng thẳng. Tuy nhiên, phản ứng của Jobs lại là minh chứng hoàn hảo cho những gì cần làm trong tình huống này.
Tạp chí Inc. đã ghi lại những điểm sáng trong màn đáp trả của Jobs:
Dừng lại một chút, lấy lại bình tĩnh
Jobs dừng lại, ngồi trong im lặng… và suy nghĩ.
Trong khoảng 10 giây đó, khán giả chăm chú theo dõi như chờ đợi phản hồi, còn ông thì uống một ngụm nước và ôn tồn nói:
"Bạn biết đấy, bạn có thể làm hài lòng một số người, ở một số thời điểm, nhưng…"
Ông lại im lặng, lần này khoảng 8 giây.
Dừng lại và suy nghĩ có lẽ là điều khó nhất, nhưng nó giúp bạn kiểm soát lại cảm xúc, tư duy và ngôn từ trước khi nói. Dừng lại không có nghĩa là bạn... hèn, mà là giữ sự sáng suốt để những lời mình buông ra không gây hối hận về lâu về dài.
Tạm thời đồng ý với kẻ công kích mình
"Một trong những điều khó nhất khi muốn thay đổi là, những người như anh này...." Jobs bắt đầu nói.
Trong nhiều năm, các chuyên gia tâm lý học và giao tiếp đã luôn cho rằng cách tốt nhất để thuyết phục không phải là phản bác, mà phải bắt đầu từ điểm chung, nơi cả 2 phe có thể tìm được chút đồng điệu trong quan điểm.
Điều quan trọng ở đây là, Jobs thực sự đang nhìn vấn đề từ góc độ của người đang công kích mình, và hiểu lý do anh ta làm như vậy. Bằng cách đồng ý rằng mình không hiểu hết những tính năng của OpenDoc, và người đàn ông kia đã đúng (từ góc độ của anh ta, một nhân viên của Apple), Jobs đã làm dịu đi cơn giận, để có thể giải thích rõ lý do của bản thân ông, từ góc nhìn của một giám đốc điều hành.
Xác định lại mục tiêu chung
Jobs nói về bức tranh lớn, nơi mà ông muốn Apple hướng tới:
"Việc khó nhất là làm sao để nó phù hợp với một tầm nhìn nhất quán, lớn hơn, mà cho phép bạn có được 8 tỷ, 10 tỷ USD doanh thu sản phẩm mỗi năm."
"Và một điều tôi luôn nhìn thấy là bạn phải bắt đầu với trải nghiệm khách hàng rồi mới trở lại với công nghệ. Bạn không thể bắt đầu với công nghệ rồi mới tìm cách bán sản phẩm."
Sau này, lịch sử ngành công nghệ đã nhiều lần chứng minh, trải nghiệm của người dùng mới là cốt yếu.
Đưa ra lý do đáng tin cậy
"Chắc hẳn, tôi đã mắc sai lầm này nhiều hơn bất cứ ai trong khán phòng này. Những vết sẹo còn nguyên để chứng minh, và tôi biết điều đó là đúng."
Lý giải sâu hơn, Jobs chia sẻ rằng trước đây mình đã từng nhiều lần làm theo cách khác, và đã thất bại. Con đường ông đang dẫn dắt Apple không phải đến từ quyết định qua loa, mà đã được kiểm nghiệm qua nhiều lần sai-thử trong quá khứ. Ông kêu gọi mọi người tin tưởng vào những gì mà ông từng trải qua.
Ca ngợi đội ngũ nhân viên
"Có rất nhiều người làm việc vô cùng chăm chỉ tại Apple." Jobs kể ra một vài cái tên, trước khi khen ngợi cả nhóm. "Và còn hàng trăm người dưới quyền họ."
"Họ đang cố gắng hết sức," ông nói.
Bằng những lời này, Jobs không nhận công lao về mình, mà thể hiện thái độ trân trọng và xác nhận công sức của nhân viên. Sự nhún nhường và cầu thị của Jobs chính là yếu tố khiến nhiều người tài giỏi về dưới trướng ông.
Kết thúc một cách mạnh mẽ
Những lời cuối cùng trong bài phát biểu của Jobs, đã khiến kẻ công kích ông được truyền thêm niềm tin và động lực, thay vì tổn thương và ôm lấy cục tức.
"Sẽ có sai lầm xảy ra trong quá trình làm việc. Đây là điều tốt. Khi nhìn thấy sai lầm, chúng ta sẽ sửa đổi nó."
Thậm chí, ông dùng một phần lời lẽ của kẻ công kích mình để chốt lại:
"Sẽ có sai lầm, sẽ có người tức giận, sẽ có người không biết anh ta đang nói gì, nhưng tôi nghĩ rằng mọi việc đang tốt hơn nhiều so với vài phút trước đó."
"Và tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ làm được."
Trong cuộc sống này, không nhiều người có thể bình tĩnh như vậy trước những lời công kích. Thú thực, ta chỉ muốn dùng những lời lẽ cay đắng hơn để đáp lại nhưng suy cho cùng - làm như vậy chỉ khiến đôi bên cùng bị tổn thương.
Hãy bình tĩnh, hãy suy xét trước mọi lời công kích và xúc phạm. Chỉ như vậy, ta mới có thể thực sự trưởng thành và rõ ràng, có thêm bạn luôn tốt hơn là tạo ra kẻ thù.
Tham khảo Inc.