Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, tính đến ngày 18/1/2021, danh sách thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã tăng lên 238 thương nhân.
Trong đó, các tỉnh có số doanh nghiệp đăng ký nhiều nhất gồm: An Giang có 28 doanh nghiệp; tỉnh Đồng Tháp có 17; tỉnh Long An có 24 doanh nghiệp; nhiều nhất là Thành phố Cần Thơ với 41 doanh nghiệp và TP.HCM là 37 doanh nghiệp
Trước đó, ngày 15/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, có hiệu lực từ ngày 01/10/2018, thay thế cho Nghị định số 109/2010/NĐ-CP. Cũng trong ngày 01/10/2018, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 30/2018/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.
Nghị định số 107/2018/NĐ-CP và Thông tư số 30/2018/TT-BCT có nhiều điểm mới thể hiện tư duy đổi mới trong quản lý của Chính phủ, của Bộ Công Thương về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Cụ thể, loại bỏ quy định về địa bàn đầu tư xây dựng, quy mô kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo; thương nhân chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng được xuất khẩu các loại gạo này không cần có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, khuyến khích thương nhân đầu tư sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng gạo có chất lượng, giá trị cao; thương nhân có thể thuê kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh…
Sau hơn 1 năm thực thi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP với những cải cách, tư duy mới, Bộ Công Thương đã cấp thêm 47 Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nâng con số thương nhân xuất khẩu gạo lên 182 thương nhân. Đến ngày 21/1/2021, thì số thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã lên 238 thương nhân tăng lên 76,29% so với trước khi có Nghị định 107.