Tại quyết định, có 157 dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn từ nay đến năm 2025 thuộc các lĩnh vực: Hạ tầng giao thông; hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế; hạ tầng năng lượng; hạ tầng công nghệ thông tin; hệ thống xử lý rác, nước thải; hạ tầng giáo dục và y tế; hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch; ngành nông, lâm, thủy sản; lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.
Đáng chú ý, có 24 dự án liên quan đến hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế có quy mô 26.075 ha; tổng vốn đầu tư lên đến 4,65 tỷ USD.
Cụ thể, tại khu vực miền Bắc có 5 dự án, gồm xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu kinh tế Ninh Cơ, huyện Hải Hậu, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (diện tích 13.950 ha, tổng vốn đầu tư một tỷ USD); Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ dọc theo tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn trên địa bàn huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn (5.000 ha, 100 triệu USD); hạ tầng Khu công nghiệp Vân Hồ, Sơn La (240 ha, 73 triệu USD); hạ tầng Khu công nghiệp Mường So, huyện Phong Thổ, Lai Châu (220 ha, 65 triệu USD); Khu công nghiệp Quyết Thắng, huyện Đại Từ, Thái Nguyên (105 ha).
Tại miền Trung có 6 dự án kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng (400 ha, 265 triệu USD); Bến hàng container (Bến số 7, 8), Khu cảng Chân Mây, Thừa Thiên Huế (20 ha/bến, 174 triệu USD); hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Hòn La II, Khu Kinh tế Hòn La, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình (180 ha, 100 triệu USD); hạ tầng Khu Công nghiệp Phú Bình, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng (246 ha, 85 triệu USD); KCN Phú Đa, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế (165 ha, 50 triệu USD); KCN sản xuất nguyên phụ liệu ngành may mặc, thuộc Khu Kinh tế mở Chu Lai, Quảng Nam (200 ha; 30,4 triệu USD).
Khu vực miền Nam nhiều nhất với 13 dự án gồm: Hạ tầng Khu công nghiệp phía Bắc huyện Bến Lức, tỉnh Long An (1.500 ha; 1,74 tỷ USD); hạ tầng Khu công nghiệp Tân Phước 1, xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, Tiền Giang (470 ha, 475 triệu USD); khu phi thuế quan, Khu kinh tế Định An, Trà Vinh (501 ha, 143 triệu USD); Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ huyện Lấp Vò, Đồng Tháp (500 ha đến 1.000 ha, 130 triệu USD); Khu công nghiệp Tân Phước 2, Tiền Giang (300 ha, 110 triệu USD); Khu công nghiệp Bình Long mở rộng; huyện Châu Phú, An Giang (120 ha, 50 triệu USD); KCN Láng Trâm, thị xã Giá Rai, Bạc Liêu (39 triệu USD; diện tích 103,53 ha, trong đó KCN 94,19 ha; khu tái định cư và nhà ở công nhân 9,34 ha); Khu kho ngoại quan, Khu kinh tế Định An, tỉnh Trà Vinh (101 ha, 29 triệu USD); Khu công nghiệp Giao Hòa, xã Giao Hòa, huyện Châu Thành, Bến Tre (248,51 ha); Khu công nghiệp Phước Long, huyện Giồng Trôm, Bến Tre (182,32 ha); Khu phi thuế quan Khu kinh tế Năm Căn, Cà Mau (800 ha); Khu công nghiệp Sông Hậu, Sóc Trăng (286 ha); khu công nghiệp Mỹ Thanh, Sóc Trăng (217 ha).
Bên cạnh đó, giai đoạn 2021 - 2025 Việt Nam còn mời gọi đầu tư một số dự án hạ tầng công nghệ thông tin như: Khu nhà xưởng chuyên dụng, phụ trợ ICT, Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (57,7 ha; 217 ha); Trung tâm dữ liệu và tổ hợp văn phòng, khu trưng bày, triển lãm công nghệ thông tin, Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (8,7 ha; 158 triệu USD); hạ tầng kỹ thuật khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (210 ha; 73 triệu USD);
Khu R&D, Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (21 ha; 43 triệu USD); hạ tầng Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình, Thái Nguyên (545,82 ha; 185 triệu USD); Khu công nghệ thông tin tập trung TP Cần Thơ (21,1 triệu USD); Dự án sản xuất các sản phẩm, thiết bị ứng dụng công nghệ AI, Robotic, IOT, Smart City, pin thế hệ mới tại Khu CNC Hòa Lạc;...