Tuy nhiên, triển vọng triển khai cổ phần hóa ngân hàng này vừa có thông tin về chuyển biến mới.
Cụ thể, liên quan đến tiến trình cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ( Agribank ), trong báo cáo gửi Quốc hội phục vụ quá trình thẩm tra tình hình, kinh tế xã hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã chỉ đạo Agribank phối hợp với Bộ Tài chính, UBND các tỉnh để khẩn trương lập, thẩm định, phê duyệt phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất theo quy định tại Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017.
Theo đó, đến 31/8/2021, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp đối với 2094/2174 cơ sở nhà, đất. Đối với 80 cơ sở nhà đất chưa được Bộ Tài chính phê duyệt, trên cơ sở quy định tại nghị định 67/2021/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/9/2021), NHNN đã chỉ đạo, hướng dẫn Agribank rà soát lại các cơ sở này để xây dựng, đề xuất phương án sắp xếp nhà đất theo quy định này nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.
Nghị định trên vừa có hiệu lực từ đầu tháng 9 nên dự kiến các bên sẽ cần thêm một khoảng thời gian nữa để tiếp tục xử lý những vướng mắc tồn đọng. Nhưng về cơ bản, với phần lớn các cơ sở nhà đất đã được Bộ Tài chính phê duyệt phương án sắp xếp, kế hoạch chuẩn bị cho cổ phần hóa ngân hàng này đã có bước tiến đáng kể.
Agribank là một trong số các doanh nghiệp Nhà nước nằm trong danh sách cổ phần hóa mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt trong lộ trình đến năm 2020. Tuy nhiên, kế hoạch cổ phần hoá và bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược của ngân hàng đã lỡ hẹn, mà nguyên nhân chủ yếu được cho là do gặp khó khăn trong việc định giá giá trị doanh nghiệp, nhất là về đất đai.
Agribank sở hữu quỹ đất rất lớn, với tổng diện tích lên tới 2,6 triệu m2, rải khắp từ các huyện xã, thành phố cho đến ngoài hải đảo. Quy mô này gắn với việc rà soát và sắp xếp lại gặp những vướng mắc mà Bộ Tài chính từng nhiều lần đề cập thời gian qua.
Hiện Agribank đang là nhà băng dẫn đầu hệ thống với tổng tài sản đến cuối tháng 6/2021 đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng. Dù vậy, quy mô vốn điều lệ của ngân hàng lại ở mức khiêm tốn, chỉ hơn 30 nghìn tỷ đồng, thấp hơn cả một số ngân hàng thương mại tư nhân như VPBank hay Techcombank. Điều này khiến ngân hàng khó đảm bảo chỉ số an toàn vốn, đồng thời làm hạn chế khả năng cung cấp tín dụng cho nền kinh tế.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã nhất trí bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp NSNN năm 2020 của ngân hàng, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn bổ sung này chỉ mang tính chắp vá ngắn hạn, trong khi hướng phát triển bền vững và lâu dài cần mở theo kế hoạch cổ phần hóa để tạo điều kiện chủ động hơn trong huy động vốn.