Món gan ngỗng nuôi trong phòng thí nghiệm có thể ngon và béo ngậy như món làm từ vịt hoặc ngỗng nuôi trong trang trại.
Tuần trước, Gourmey, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Paris, đã huy động thêm 10 triệu USD tài trợ từ các nhà đầu tư.
Việc thúc đẩy sản xuất gan vịt hoặc ngỗng trong phòng thí nghiệm diễn ra trong bối cảnh tìm kiếm giải pháp thay thế bền vững và có đạo đức cho thịt được nuôi để giết mổ. Hầu hết gan ngỗng được làm bằng cách ép vịt và ngỗng ăn qua một cái ống để gan của chúng tăng lên gấp 10 lần so với kích thước bình thường. Theo các nhà bảo vệ động vật, quá trình này có thể khiến những con vịt, ngỗng quá lớn không thể đi lại hoặc thở được.
Vào năm 2019, Hội đồng Thành phố New York đã thông qua luật cấm việc bán gan ngỗng trong thành phố, một trong những thị trường lớn nhất của Mỹ.
Các quốc gia khác bao gồm Anh, Phần Lan, Israel và Na Uy cũng đã cấm sản xuất gan ngỗng. Vào tháng 3 vừa qua, cơ quan an toàn thực phẩm của Anh cho biết họ đang lên kịch bản cho những hạn chế có thể đưa ra để giải quyết những lo ngại về việc sản xuất gan ngỗng. Nghị viện châu Âu tháng trước cũng đã kêu gọi cấm ép ăn vịt và ngỗng để lấy gan.
Với sự phản đối ngày càng tăng đối với gan ngỗng vì lo ngại sự tàn ác với động vật, Nicolas Morin-Forest, người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Gourmey, cho biết sản xuất món ngon từ các tế bào nuôi trồng là một cách để bảo tồn truyền thống ẩm thực hàng thế kỷ của Pháp.
Gan ngỗng là món ăn xa xỉ nay được sản xuất từ các tế bào nuôi cấy, thay vì gan của vịt hoặc ngỗng đã được vỗ béo. |
Không giống như các sản phẩm thay thế thịt làm từ thực vật, thịt nuôi cấy tế bào được nuôi từ tế bào động vật trong phòng thí nghiệm. Các kỹ sư sành ăn làm giả thịt bằng cách lấy các tế bào từ một quả trứng vịt mới đẻ và đặt chúng vào máy nuôi cấy. Sau đó, các tế bào được cung cấp protein, axit amin và đường, tương tự như các chất dinh dưỡng mà một con vịt sẽ nhận được từ chế độ ăn yến mạch, ngô và cỏ. Sau đó, các tế bào được thu hoạch và chuyển thành gan ngỗng trong một quy trình sử dụng ít đất và nước hơn đáng kể so với các phương pháp truyền thống.
Một trở ngại lớn đối với nông nghiệp tế bào là kết cấu của thực phẩm tạo thành, đặc biệt là khi thực hiện các phần thịt đáng kể như bít tết. Nhưng Morin-Forest nói rằng, ở mức độ kỹ thuật, gan ngỗng rất thích hợp để trồng trong phòng thí nghiệm vì kết cấu tinh tế của nó so với các loại thịt khác.
Các nhà đầu tư đã đổ tiền vào các công ty khởi nghiệp công nghệ thực phẩm những năm gần đây trong bối cảnh lo ngại về tình trạng thiếu lương thực trong những thập kỷ tới khi dân số toàn cầu tăng lên. Hiện thịt nuôi cấy tế bào vẫn chưa có sự chấp thuận của cơ quan quản lý ở hầu hết các quốc gia.
Bên cạnh việc nghi ngờ về chất lượng của gan ngỗng được nuôi từ phòng thí nghiệm, một trong những trở ngại lớn nhất đối với thịt nuôi cấy tế bào là giá thành của nó. Morin-Forest cho biết gan ngỗng trồng trong phòng thí nghiệm của Gourmey có giá dưới 1.180 USD (khoảng 27 triệu đồng) mỗi kg.
Ủy ban châu Âu và ngân hàng công của Pháp, Bpifrance, cũng đã cung cấp các khoản trợ cấp để hỗ trợ Gourmey.
Morin-Forest cho biết, Gourmey đang tìm kiếm sự chấp thuận theo quy định của các cơ quan an toàn thực phẩm và hy vọng sẽ gia nhập thị trường vào cuối năm sau hoặc đầu năm 2023. Trọng tâm của nó sẽ là các thị trường như Singapore và Hoa Kỳ.
(Theo NY Times/ Bangkok Post/ Phụ Nữ TP.HCM)