Theo số liệu chính thức vừa được công bố, GDP Australia giảm 0,3% trong 3 tháng đầu năm 2020. Tồi tệ hơn, nền kinh tế này được dự báo sẽ còn suy thoái sâu hơn nữa trong quý II sau khi hứng chịu toàn bộ những tổn thất do đại dịch Covid-19 gây ra.
Khi được hỏi có phải Australia đã bước vào suy thoái, Bộ trưởng Tài chính Josh Frydenberg chỉ trả lời bằng 1 câu ngắn gọn: "Đúng".
Tuy nhiên, sự kết hợp giữa các biện pháp kích thích kinh tế cả trên mặt trận tài khóa và tiền tệ thuộc hàng lớn nhất trong nhóm G20 và sự thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh khiến tương lai kinh tế Australia không quá tăm tối. Không giống như Mỹ và Nhật Bản, nơi chương trình phát tiền mặt cho những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhiều nhất được triển khai rất chậm chạp, hầu hết người dân Australia đã nhận được tiền từ đầu tháng 5.
Chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison đang bơm 180 tỷ USD (tương đương 13,3% GDP) vào nền kinh tế để hỗ trợ công nhân, hộ gia đình và các doanh nghiệp. Ngoài ra Australia đang bàn về 1 gói kích thích tài khóa mới để thúc đẩy trở lại hoạt động xây dựng dân dụng.
Cho đến nay niềm tin tiêu dùng đã tăng 9 tuần liên tiếp sau khi rơi xuống đáy 50 năm hồi cuối tháng 3. Dữ liệu mới nhất cho thấy chỉ số niềm tin của hộ gia đình vào điều kiện kinh tế vĩ mô đã tăng 15,7% và những người cho rằng đây là thời điểm tốt để thực hiện khoản chi tiêu lớn đã tăng thêm 10,9%.
Dẫu vậy, giống như các nền kinh tế khác, Australia vẫn phải đối mặt với 1 tương lai khó đoán và tất cả sẽ phụ thuộc vào việc người dân và doanh nghiệp tự tin đến đâu về sức khỏe cũng như tài chính của bản thân cũng như của toàn xã hội.
Giá các hàng hóa cơ bản tăng trưởng tốt trong thời gian qua đang làm lợi cho lợi nhuận của các công ty khai khoáng Australia, giúp thặng dư cán cân vãng lai của Australia lập kỷ lục 5,8 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm. Nhưng các công ty này vẫn phải để mắt đến diễn biến của đồng đôla Australia. AUD đã tăng giá gần 20% trong 2,5 tháng vừa qua.
Trong gần 30 năm qua, kinh tế Australia đã tránh được suy thoái bất chấp thế giới trải qua nhiều cuộc sóng gió như khủng hoảng tài chính châu Á 1997, bong bóng dotcom và khủng hoảng tài chính 2008.