Squid Game (Trò chơi con mực) là bộ phim đang gây sốt gần đây, đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu của Netflix và là bộ phim Hàn Quốc đầu tiên chiếm vị trí số 1 tại Mỹ trên nền tảng phim trực tuyến này.
Nội dung bộ phim nói về việc 456 người vì muôn vàn lý do, gặp phải những khó khăn về tài chính trong cuộc sống và đã chấp nhận một lời mời thi đấu trò chơi sinh tử trong vòng 6 ngày. Đón chờ họ là tổng giải thưởng hấp dẫn lên đến 45,6 tỷ Won (khoảng 1.000 tỷ đồng) cho người sống sót.
Một trong những nhân vật nổi bật nhất trong bộ phim là Cho Sang Woo – người từng tốt nghiệp Đại học Quốc gia Seoul danh giá và là niềm tự hào của khu phố. Công việc hiện tại của Cho Sang Woo là trưởng nhóm đầu tư tại một công ty chứng khoán nhưng do những sai lầm khi đầu tư trên thị trường chứng khoán phái sinh, anh đã nợ hơn 6 tỷ Won. Ngay cả căn nhà, cửa hàng bán cá của mẹ anh cũng đã bị cầm cố trong quá trình đầu tư.
Với những khó khăn nợ nần và bị cảnh sát điều tra, Cho Sang Woo đã tham gia vào trò chơi sinh tử với mong muốn trở thành người chiến thắng và có tiền trả nợ. Quả thực, với trí thông minh của mình, Sang Woo đã vào đến vòng chơi cuối cùng nhưng thật đáng tiếc khi anh không thể giành được chiến thắng chung cuộc.
Dựa trên câu chuyện trong bộ phim Squid Game, có thể rút ra một số bài học trong quá trình đầu tư chứng khoán:
Người thông minh không phải lúc nào cũng đầu tư chứng khoán thành công
Trong đầu tư chứng khoán, việc thông minh hay học giỏi không phải là yếu tố quyết định cho sự thành công. Với bộ phim Squid Game, có thể thấy Cho Sang Woo dù thông minh, tài giỏi và làm việc tại Công ty chứng khoán với lợi thế tiếp cận vô vàn thông tin nhưng vẫn thất bại nặng nề.
Câu chuyện những người thông minh thất bại trên thị trường chứng khoán không phải là điều hiếm gặp. Trong quá khứ, ngay cả thiên tài vật lý, toán học Issac Newton cũng từng thua lỗ nặng nề trên thị trường chứng khoán với thương vụ đầu tư vào cổ phiếu "South Sea Bubble" vào năm 1720.
Sau thất bại trong thương vụ đầu tư vào South Sea Bubble, Newton đã nói: "Tôi có thể tính toán được sự chuyển động của các hành tinh, nhưng không thể tính toán được sự điên rồ của con người".
Câu chuyện trên cũng là ví dụ cho thấy sự khắc nghiệt trong đầu tư chứng khoán mà nhà đầu tư không cẩn thận sẽ rất dễ sập bẫy. Điều quan trọng nhất trong đầu tư không phải là trí thông minh mà cần tránh lao theo xu hướng đám đông và phải xây dựng được nguyên tắc mua/bán dựa trên sự hiểu biết về doanh nghiệp cùng một chút may mắn mới có thể tồn tại.
Khi nói về bản chất của nhà đầu tư, huyền thoại Warren Buffett từng nói rằng: "Đầu tư chứng khoán không phải là một trò chơi mà một người với chỉ số IQ 160 thắng một người có chỉ số IQ 130".
Cũng theo Warren Buffett, "Phố Wall là nơi duy nhất mà những người đi xe Rolls-Royce xin lời khuyên từ những người đi tàu điện ngầm", điều này cho thấy những vấn đề xuất phát điểm hay IQ không phải là yếu tố duy nhất để thành công trên thị trường chứng khoán.
Không nên tất tay, cầm cố tài sản khi đầu tư chứng khoán
Trong bộ phim Squid Game, nhân vật Sang Woo đã "tất tay" vào đầu tư chứng khoán. Không những vay mượn để đầu tư, anh còn cầm cố nhà để tham gia và kết cục là một khoản nợ khổng lồ, vượt xa khả năng xử lý.
Việc tất tay vào một kênh đầu tư giống như chơi một trò chơi sinh tử, đầy mạo hiểm và có thể "ra đê" bất kỳ lúc nào. Để hạn chế rủi ro này, chúng ta chỉ nên phân bổ một phần vào chứng khoán (tỷ trọng tùy mỗi nhà đầu tư), ngoài ra sẽ cần phân bổ tài sản sang các "rổ" khác để hạn chế rủi ro như Bất động sản, vàng, trái phiếu, sản xuất kinh doanh…
Bên cạnh đó, việc sử dụng đòn bẩy tài chính (margin, cầm cố tài sản) trong quá trình đầu tư cũng là con dao 2 lưỡi, có thể thu lãi lớn nhưng cũng có thể làm trầm trọng hơn các khoản thua lỗ nếu dự báo sai.
Do đó, việc sử dụng đòn bẩy trong quá trình đầu tư cần thận trọng và phải luôn sẵn sàng bán ngay khi diễn biến không như kỳ vọng vì nếu không hậu quả thua lỗ sẽ nặng nề hơn bội phần.
Việc mất kiểm soát trong quá trình đầu tư, có thể sẵn sàng "tất tay" và "full margin" vào một loại tài sản là điều không hiếm gặp trên thị trường chứng khoán, ngay cả với các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Tại Việt Nam, cũng từng có trường hợp Công ty đầu tư chứng khoán sử dụng margin và đầu tư gần như duy nhất vào 1 cổ phiếu. Chiến lược này từng giúp Công ty lãi lớn khi thị trường thuận lợi nhưng khi thị trường lao dốc năm 2018, Công ty trên đã thua lỗ nặng nề.
Không dễ kiếm tiền trên thị trường phái sinh
Cũng trong bộ phim Squid Game, nhân vật Sang Woo lúc đầu thua lỗ không quá lớn từ đầu tư chứng khoán. Nhưng sau đó, vì tham gia vào thị trường phái sinh, mức thua lỗ đã đẩy lên hơn 6 tỷ Won, dẫn tới "cháy tài khoản" và phải bỏ trốn.
Thị trường chứng khoán, đặc biệt thị trường chứng khoán phái sinh có sức hút rất lớn nhưng chưa khi nào có thể trở thành nơi kiếm tiền dễ dàng. Phái sinh là thị trường "Zero sum game", có nghĩa nhà đầu tư sẽ chỉ có lợi nhuận từ những sai lầm của nhà đầu tư khác, không tạo ra giá trị thặng dư như trên thị trường cơ sở. Với đặc tính "tổng bằng không" (thậm chí tổng âm do mất phí, thuế), cùng với những biến động nhanh chóng mặt, không ít nhà đầu tư coi phái sinh có tính "cờ bạc" khá cao, dù đây là nơi giúp nhà đầu tư có thể phòng ngừa những rủi ro từ thị trường cơ sở.
Tại Việt Nam, tình trạng thị trường biến động mạnh trong những ngày đáo hạn phái sinh đã khiến không ít nhà đầu tư nghi ngờ có bàn tay "thao túng" của các "cá mập".
Cách đây vài năm, trên trang Facebook cá nhân, ông Lê Hải Trà từng chia sẻ khi tham gia thị trường phái sinh, có tới 95% thua lỗ và chỉ có 5% nhà đầu tư kiếm được tiền.