Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama - mã chứng khoán LLM) vừa báo cáo đã hoàn tất thoái toàn bộ 7.978.992 cổ phần sở hữu tại Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Vàng (mã chứng khoán SVH) theo đề án tái cơ cấu được Bộ Xây dựng phê duyệt.
Dữ liệu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho thấy, ngày 9/8 xuất thiện giao dịch với khối lượng bằng đúng số cổ phần Lilama đăng ký bán với giá 13.300 đồng/cổ phiếu. Qua đó, Lilama đã thu về hơn 106 tỷ đồng.
Số cổ phần này được chia đều cho 3 cổ đông lớn mới đều là cá nhân. Các cổ đông mới này không phải là lãnh đạo cũng không có liên quan tới lãnh đạo Thủy điện Sông Vàng. Trước giao dịch, cả 3 cá nhân này không sở hữu cổ phiếu SVH nào.
Cụ thể, ông Đặng Hoàng Long đã mua 2,5 triệu cổ phiếu, chiếm 16,87% vốn; bà Nguyễn Thị Thanh Bình đã mua 3 triệu cổ phiếu, chiếm 20,24% vốn; ông Hồ Ngọc Tuấn đã mua 2.478.992 cổ phiếu, chiếm 16,73% vốn điều lệ Thủy điện Sông Vàng.
Được biết, Thủy điện Sông Vàng được thành lập cuối năm 2004, các cổ đông lớn gồm Lilama, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power - mã chứng khoán POW) và Công ty Cổ phần Xây dựng công trình giao thông 586.
Hồi đầu tháng 2/2018, ngay sau khi SVH chào sàn UpCom, PV Power đã thoái toàn bộ 4,7 triệu cổ phần nắm giữ tại Thủy điện Sông Vàng, tương ứng tỷ lệ sở hữu 31,91%.
Cùng thời điểm đó, Thủy điện Sông Vàng đón nhận thêm 2 cổ đông mới, cũng đều là các cá nhân gồm bà Lương Thị Ngọc Quỳnh và bà Đỗ Thị Thu Hương. Số cổ phần 2 cổ đông này mua vào gần bằng số cổ phần mà PV Power thoái vốn.
6 tháng đầu năm 2018, tại khu vực Miền Trung thời tiết không thuận lợi, khô hạn kéo dài dẫn đến lượng nước giảm nên doanh thu của Thủy điện Sông Vàng chỉ đạt hơn 31 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ 2017. Dẫn đến lợi nhuận sau thuế cũng giảm tới 41,5%, đạt 8,2 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, do cơ cấu cổ đông quá cô đặc nên ngoài giao dịch vào ngày 9/8 thì SVH gần như không có thanh khoản, thị giá ở mức 13.300 đồng/cổ phiếu.