Sáng nay (8-11), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức cuộc họp cung cấp thông đến dự án Khu đô thị- Thương mại- Dịch vụ Tân Phú thuộc phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một.
9 giờ 40 phút, buổi họp cung cấp thông tin do lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Dương chủ trì với báo chí diễn ra. Hàng chục phóng viên có mặt. Lãnh đạo Thanh tra tỉnh Bình Dương cùng nhiều đại diện đơn vị thuộc tỉnh Bình Dương cũng có mặt. Hai vấn đề sẽ được nêu tại cuộc họp này là dự án 43 ha và chuyện ông Nguyễn Hồng Khanh, nguyên bí thư Bến Cát liên quan đến sai phạm đất đai ở huyện Bến Cát đang trong giai đoạn xét xử.
43 ha đất nêu trên ban đầu do Tổng Công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu Bình Dương (gọi tắt là Tổng Công ty Bình Dương, doanh nghiệp trước đây 100% vốn nhà nước trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương) quản lý vào năm 2004. Hiện dự án đã sang nhượng cho Công ty Tân Phú. Trên mạng từng xuất hiện thông tin rao bán đất nền thuộc dự án hấp dẫn này. Tuy nhiên, do lùm xùm về mặt pháp lý nên dự án đang đình trệ.
Quang cảnh buổi họp báo sáng 8-11
Dự án trên rộng 43 ha nằm trên mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch, tuyến đường đẹp bậc nhất, dẫn vào trung tâm TP Mới Bình Dương. Ở cổng dự án này có tấm bảng thông báo rằng dự án đang giai đoạn hoàn thiện thủ tục pháp lý, chưa thực hiện giao dịch với khách hàng có nhu cầu về nhà ở, đất ở. Người ký thông báo này là bà Đặng Thị Kim Oanh (bà Oanh ký với tư cách đại diện chủ đầu tư dự án là công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú).
Trong khi đó, ông Bùi Minh Thạnh, Chánh Văn Phòng Tỉnh ủy Bình Dương khẳng định Tỉnh ủy chỉ cho Tổng Công ty Bình Dương liên doanh góp vốn bằng tiền với đối tác để lập ra công ty liên doanh Tân Phú chứ không cho góp vốn bằng đất, không cho bán, chuyển nhượng 43 ha khu đất dự án.
Mặt tiền dự án 43 ha là con đường Phạm Ngọc Thạch dẫn vào trung tâm TP Mới Bình Dương
Phối cảnh đặt ở tường rào dự án 43 ha
Những câu mà dư luận đang quan tâm và mong muốn được giải đáp ở dự án 43 ha này là:
1/ Nguồn gốc 43 ha "đất vàng" này có phải là đất công" hay không?
2/ Việc Tổng Công ty Bình Dương (đơn vị từng 100% vốn Nhà nước) dùng khu đất này góp vốn, hùn hạp với Công ty tư nhân Âu Lạc (theo tỉ lệ 30-70) lập liên doanh Tân Phú để kinh doanh là đúng hay sai, Tỉnh ủy Bình Dương có được Tổng Công ty Bình Dương báo cáo chuyện này không?
3/ Tại sao Tổng Công ty Bình Dương lại đột ngột thoái vốn khỏi liên doanh Tân Phú, bán 43 ha giúp đối tác tư nhân sở hữu luôn khu đất này? Hiện khu đất này có phải nằm trong tay bà Đặng Thị Kim Oanh (được biết đến với thương hiệu địa ốc Kim Oanh) hay không, tại sao lại có tên bà Oanh dưới thông báo đặt trước cổng dự án?
Bảng thông báo trước cổng dự án 43 ha
Ngoài dự án 43 ha này, đại diện Tỉnh ủy Bình Dương cho biết đã yêu cầu Tổng Công ty Bình Dương báo cáo, giải trình gấp về những thông đến khu đất khác rộng 145 ha. Được biết khu đất này ban đầu do Tổng Công ty Bình Dương quản lý. Tuy nhiên sau quá trình góp vốn, chuyển nhượng phần vốn, hiện khu đất 145 ha này do Công ty Tân Thành quản lý, sử dụng kinh doanh sân gofl (trong liên doanh Tân Thành có một lượng lớn cổ phần của công ty tư nhân liên quan đến gia đình của ông Nguyễn Văn Minh là lãnh đạo Tổng Công ty Bình Dương).
Tổng Công ty Bình Dương thường được gọi là Công ty 3-2 vì tiền thân là Xí nghiệp sản xuất hàng cao su 3-2 được thành lập vào năm 1982. Đây là một trong những tổng công ty thuộc dạng "đầu tàu" của tỉnh Bình Dương.
Dự án 145 ha cũng đang dính lùm xùm, nằm trên mặt tiền 2 đường lớn gần trung tâm TP. Mới Bình Dương
Năm 2014, Tổng Công ty Bình Dương được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên- Tổng giám đốc Công ty đã vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng nhất.
Chúng tôi đang cập nhật thông tin cuộc họp giữa báo chí và Tỉnh Ủy Bình Dương liên quan vụ này....