Ngày 22-5, nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM cho biết liên quan đến việc phù phép chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở rồi phân lô, bán nền thu lợi tiền tỉ ở TP Phan Thiết, Bình Thuận dính líu đến rất nhiều cán bộ.
Cụ thể có hơn 60 cán bộ đang công tác tại Sở TN&MT, UBND TP Phan Thiết, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) TP Phan Thiết, Chi cục Thuế TP Phan Thiết, UBND các xã Phong Nẫm, Tiến Lợi, Thiện Nghiệp thuộc TP Phan Thiết đã “giúp sức” cho các đại gia phù phép đất ở đây dưới ba chiêu sau.
Đất ruộng “ôm lưng” đất ở
Bước đầu qua kiểm tra, UBND tỉnh Bình Thuận đã phát hiện đường dây này sử dụng thủ đoạn đất ruộng “ôm lưng” đất ở rồi được biến hóa.
Cụ thể một số hộ có ít đất ở với diện tích nhỏ nằm giáp đường nhưng đứng tên người khác. Song song các hộ này cũng có các lô đất khác là đất nông nghiệp nằm giáp lưng hoặc gần kề các lô đất ở, giáp đường trên.
Bước 1, các hộ này xin chuyển mục đích đất ruộng phía trong, xa đường sang đất ở để chỉ phải đóng tiền chuyển mục đích sử dụng thấp (có vị trí, khu vực là 0 đồng).
Bước 2, xin tách thửa diện tích đất ruộng vừa chuyển sang đất ở trên.
Bước 3, hợp thửa toàn bộ số diện tích vừa tách vào số diện tích (nhỏ) nằm ở mặt tiền đường hoặc gần đường. Từ ba bước này tổng diện tích đất ở mặt tiền hoặc gần đường đã có “bước đại nhảy vọt” ngoạn mục.
Bước 4, bắt đầu phân lô , bán nền số đất ở đã được “phù phép” thành đất mặt tiền, gần đường.
Chiêu đất ruộng “ôm lưng” đất ở này được dân “làm đất” ở Phan Thiết diễn nôm là khắc nhập, khắc xuất.
Cố tình bỏ lọt thông tin vị trí đất
Theo nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM có ít nhất 65 hồ sơ đất thực hiện nghĩa vụ tài chính khi thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn trên địa bàn các xã Tiến Lợi, Phong Nẫm và Thiện Nghiệp. Toàn bộ số hồ sơ này do Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ TP Phan Thiết thụ lý và ghi thiếu thông tin vị trí đất nông nghiệp trước khi chuyển mục đích.
Thế nhưng số hồ sơ này khi “đến tay” Chi cục Thuế TP Phan Thiết đã không có yêu cầu hoặc trả lại để Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ bổ sung vị trí đất mà vẫn tính tiền sử dụng đất và ra thông báo nộp tiền sử dụng đất.
Vụ việc vỡ lở khi các trinh sát của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận thấy bất thường nên tiến hành thu thập hồ sơ. Theo các tài liệu, có vụ số tiền sử dụng đất lúc bị bỏ lọt thông tin vị trí mà “đại gia” phải nộp chỉ khoảng 600-780 triệu đồng. Nhưng khi cơ quan điều tra nắm được thông tin thì Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ TP Phan Thiết và Chi cục Thuế “phối hợp” ra thông báo thu về số tiền chênh lệch (mà “đại gia” phải nộp) là hơn 3,3 tỉ đồng.
“Đảo” số vị trí
Năm 2017, bà Tr. được UBND TP Phan Thiết cho chuyển mục đích sử dụng (từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn) một thửa đất tại địa bàn xã Thiện Nghiệp với tổng diện tích hơn 8.700 m2. Văn phòng ĐKĐĐ TP Phan Thiết có phiếu chuyển thông tin địa chính đối với thửa đất trên đến Chi cục Thuế với thông tin chung chung: thửa đất đó ở khu vực 3, vị trí 3. Từ đây, Chi cục Thuế TP Phan Thiết ra thông báo số tiền bà Tr. phải nộp là hơn 170 triệu đồng.
Thế nhưng đến tháng 12-2017, Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ có công văn gửi Chi cục Thuế thông báo thay đổi vị trí đất ở từ khu vực 3, vị trí 3 thành khu vực 3, vị trí 5. Căn cứ thay đổi trên, Chi cục Thuế TP Phan Thiết có thông báo lại số tiền phải nộp là 0 đồng.
Đến tháng 11-2018, từ phát hiện của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận, Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ có công văn gửi Chi cục Thuế để tính lại tiền sử dụng đất và thông báo lại số tiền chênh lệch mà bà Tr. phải nộp đối với thửa đất trên là gần 1 tỉ đồng!
Tỉnh đã biết
Chỉ thị số 10/CT-UBND do ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, ký ngày 17-5 cho thấy công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh này đang "nóng". Cụ thể: Một số địa phương tùy tiện, buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng một số cá nhân chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở với diện tích lớn nhưng không thẩm định điều kiện, nhu cầu sử dụng đất; không căn cứ theo kế hoạch sử dụng đất hằng năm.
Việc lập thủ tục hợp thửa, tách thửa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền diễn ra phức tạp. Xây dựng hạ tầng hình thành các khu dân cư mới không theo quy định và đảm bảo quy chuẩn xây dựng. "Đặc biệt có nhiều trường hợp được xác định vị trí đất nông nghiệp trước khi chuyển mục đích để thu tiền sử dụng đất không đúng quy định, làm thất thu ngân sách nhà nước!" - bản chỉ thị trên viết.