Hàng trăm km cánh đồng ngô bị san phẳng
Sau 3 cơn bão liên tiếp đổ bộ vào tỉnh Hắc Long Giang, Tây Bắc Trung Quốc , Zhao Ge, một nông dân ngao ngán khi ước tính thiệt hại đối với cánh đồng trồng ngô của gia đình.
Với vị trí cánh đồng cách bờ biển khoảng 800km, Zhao nói rằng chưa bao giờ anh nghĩ các cơn bão sẽ gây thiệt hại lớn đến vậy. Tuy nhiên, sự bất thường của thời tiết đã gây tác động mạnh tới Hắc Long Giang, thủ phủ trồng ngô của Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh lo ngại về vấn đề an ninh lương thực đang gia tăng do tình trạng lũ lụt, hạn hán và mất mùa liên tục xảy ra trong nhiều tháng gần đây.
"Sản lượng năm nay ước tính sẽ mất đi một nửa", Zhao nói. Tuy nhiên với nhiều người, trường hợp của Zhao vẫn là khá may mắn. Khu vực gần 13,3 hecta trồng ngô mà anh quản lý đã phần nào được bảo vệ bởi những ngọn đồi lân cận và các hàng cây lớn xung quanh. Nhiều khu vực trồng ngô tại thị trấn Yongfa, nơi Zhao sinh sống, đã gần như bị san phẳng.
Trong khi mùa thu hoạch tại Trung Quốc dự kiến sẽ bắt đầu vào khoảng 2 tuần tới, nhà chức trách vẫn đang tìm cách trấn an dư luận về sản lượng hoa màu sau các trận bão.
Vào thứ tư vừa qua, Bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc ông Hàn Trường Phú khẳng định năm nay sẽ là một vụ mùa lúa bội thu, mà chủ yếu là do sự cải thiện trong khâu chăm sóc cũng như việc diện tích trồng trọt.
Tuy nhiên, một khảo sát thực tế tại khu vực trồng ngô lớn nhất ở Hắc Long Giang, khu vực đóng góp tới 15% sản lượng ngô toàn Trung Quốc, cho thấy một thực tế ảm đạm hơn nhiều, với hình ảnh các cánh đồng ngô kéo dài hàng trăm km đã bị san phẳng.
Một khảo sát được thực hiện bởi Sublime China Information, một công ty tư vấn Trung Quốc, cho thấy sản lượng ngô tại Hắc Long Giang có thể giảm tới 20% so với năm ngoái.
Việc hàng loạt các thảm hoạ thiên nhiên xảy ra ở Hắc Long Giang và tỉnh lân cận Cát Lâm khiến nhiều người lo ngại về năng lực đảm bảo an ninh lương thực của Trung Quốc, cho dù giới chức Bắc Kinh đã lên tiếng trấn an về vấn đề này. Hiện giá bán ngô trên thị trường, một trong những nguồn thức ăn chăn nuôi chủ yếu tại nước này, đã tăng ở mức cao nhất trong 5 năm qua.
Trong chuyến thăm tỉnh Cát Lâm vào cuối tháng 7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đi thăm các cánh đồng ngô và nói về tầm quan trọng của việc thu hoạch vào mùa thu.
Vào đầu tháng 9, Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa cũng đã đến thăm Hắc Long Giang và nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh lương thực, đồng thời khuyến cáo người dân cần nỗ lực giảm thiểu tối đa tác động từ các thảm hoạ thiên nhiên đối với hoạt động nông nghiệp.
Số liệu bị thổi phồng?
Theo dữ liệu chính thức, Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng liên tiếp trong thu hoạch lúa suốt 16 năm trở lại đây. Nhưng khảo sát tại tỉnh Hà Nam, một trong những tỉnh sản xuất lúa mỳ lớn của Trung Quốc, cho thấy người dân đang tích trữ một lượng lớn sản phẩm khi có dự báo giá lương thực sẽ tăng.
Lúa mỳ, ngô và gạo là 3 sản phẩm nông nghiệp chủ lục đối với an ninh lương thực quốc gia của Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh vẫn duy trì hệ thống giới hạn nhập khẩu lương thực nhằm đảm bảo mức độ tự cung tự cấp cao của ngành nông nghiệp trong nước.
Trong cuộc họp báo ngày 16/9, Cục Nông nghiệp của tỉnh Hắc Long Giang vẫn khẳng định "các cánh đồng lúa vẫn đang phát triển tốt và dự báo sẽ cho năng suất cao". Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng số liệu chính thức có thể đã bị thổi phồng, và cho rằng đây là "nhiệm vụ chính trị" vào lúc này.
Giống như nhiều dữ liệu khác, số liệu thu hoạch sản lượng lúa hàng năm chủ yếu dựa vào thông số được giới chức địa phương cung cấp và không được một cơ quan độc lập kiểm chứng.
Vào tháng 4, một nhóm gồm 11 cơ quan chính phủ đã đưa ra một văn bản pháp lý nhấn mạnh các lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với sản lượng lương thực tại địa phương họ quản lý. Theo đó, các nhà quan sát cho rằng sẽ có "vấn đề" nếu một địa phương nào công bố sản lượng sụt giảm, tức họ đã không hoàn thành nhiệm.
Cách cánh đồng ngô của Zhao khoảng 60km, tại thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ, các trận lụt quy mô lớn đã nhấn chìm hàng trăm hecta ngô ở 2 bên bờ sông. Bai, một nông dân địa phương, cho biết nhiều cánh đồng ngô sẽ mất trắng, và ước tính thiệt hại có thể lên tới 20% tổng lượng thu hoạch dự kiến.
Tâm lý không mấy lạc quan của người nông dân đã khiến những thương lái thu mua ngô nhanh chóng hành động. Bởi nếu thật sự lượng thu hoạch ngô tại tỉnh Hắc Long Giang và Cát Lâm sụt giảm 20%, đây sẽ là một dư chấn lớn đối với thị trường Trung Quốc, do 2 tỉnh này cung ứng tới 1/4 tổng sản lượng ngô của Trung Quốc.
Các thương lái tại Hắc Long Giang đã bắt đầu đưa ra đề nghị mua ngô từ trước khi thu hoạch, với giá tăng tới 31% so với năm ngoái. Để duy trì giá không tăng quá cao, Trung Quốc đã đưa ra thị trường một lượng lớn ngô từ nguồn dự trữ quốc gia, nhưng dự báo phương án này không thể kéo dài quá lâu.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu ngô của Trung Quốc đang tăng nhanh chóng. Trung Quốc đặt giới hạn nhập khẩu ngô ở mức 7,2 triệu tấn trong năm 2020, nhưng các cam kết nhập khẩu từ Mỹ đã vượt quá 9 triệu tấn, cho thấy nguồn cung thiếu hụt thực tế đang cao hơn dự báo.
Guo Yanchao, chủ tịch một công ty sản xuất đậu nành tại Thiên Tân, cho rằng đang có những thay đổi căn cơ xảy đến với ngành sản xuất ngô của Trung Quốc, khi nguy cơ nguồn cung thiếu hụt đang dần trở nên rõ ràng. Ông Guo cũng chỉ trích chính sách của chính phủ 2 năm trước khi khuyến khích người dân chuyển từ trồng ngô sang đậu tương, vốn được triển khai với mục đích nhằm giảm sự phụ thuộc vào Mỹ. Theo ông, chính sự suy nghĩ ngắn hạn trên đã làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Hiện tại, chính phủ Trung Quốc lại đang đẩy mạnh hỗ trợ cho quá trình sản xuất ngô. Theo thông tin từ nhà chức trách Hắc Long Giang, trợ cấp của chính phủ cho hoạt động trồng đậu tương sẽ giảm xuống 526 USD/hectar từ 561 USD, trong khi hỗ trợ cho trồng ngô sẽ tăng từ 66 USD lên 83 USD.
Tuy nhiên, Zhao cho rằng dù trợ cấp có tăng lên, nhưng sẽ không gì có thể bù đắp thiệt hại mà mình đang phải hứng chịu. "Viễn cảnh lạc quan nhất với tôi trong năm nay chỉ là hòa vốn", anh nói.