Các nhà hoạch định chính sách đương nhiệm của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang tỏ ra tự tin rằng họ có những "vũ khí" cần thiết để chống đỡ với khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên những người tiền nhiệm của họ lại không cho là như vậy.
10 năm sau khi là những người chèo lái kinh tế Mỹ trong cơn bão gần nhất, Ben Bernanke, Timothy Geithner và Henry Paulson mới đây đã đồng loạt nêu lên những lo ngại về khả năng chống đỡ của nước Mỹ trước 1 cuộc khủng hoảng tài chính mới. Mặc dù nhất trí rằng hệ thống ngân hàng giờ đã vững vàng hơn nhiều so với trước, họ cũng chỉ ra những điểm yếu không hề tồn tại cách đây 1 thập kỷ.
"Chúng ta đã có những công cụ tự vệ tốt hơn để chống lại những cú sốc mạnh hơn có thể xảy ra đối với nền kinh tế và hệ thống tài chính, nhưng trong trường hợp khủng hoảng xảy ra thì 1 hệ thống ít tự do hơn,bị kiểm soát nhiều hơn sẽ là lý tưởng hơn", cựu Bộ trưởng tài chính và cũng là cựu Chủ tịch Fed Timothy Geithner nói.
Trong cuộc khủng hoảng mới nhất, GDP của nước Mỹ sụp đổ trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt.
Sau khủng hoảng tài chính 2008 đẩy nước Mỹ vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ thời Đại khủng hoảng, nước Mỹ đã thực hiện nhiều cải cách. Một số được thiết kế để củng cố các ngân hàng lớn nhất và cho phép đóng cửa chúng dễ dàng hơn, tránh lặp lại kịch bản "too big too fail" và Chính phủ phải ra tay giải cứu. Một số khác lại theo hướng hạn chế quyền tự do làm theo ý mình của Fed, Bộ Tài chính và Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) trong việc hỗ trợ các định chế tài chính. Phó Chủ tịch Fed Randal Quarles hồi tháng 4 cũng thừa nhận rằng các công cụ mà Fed có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp đã thay đổi.
Theo Geithner, người hiện đang là Chủ tịch của quỹ đầu tư tư nhân Warburg Pincus, trong cuộc khủng hoảng trước quyền hành động khẩn cấp của Fed đã tỏ ra hiệu quả và cần thiết. Ngày nay nó lại đang yếu đi. Trong khi đó, hai ông Paulson và Bernanke đặc biệt lưu ý đến những hạn chế mà Quốc hội Mỹ đã áp đặt lên FDIC và Quỹ bình ổn của Bộ Tài chính.
Ben Bernanke – người được bổ nhiệm bởi cựu Tổng thống George W.Bush và tiếp tục được cựu Tổng thống Barack Obama tín nhiệm – chỉ trích chương trình cắt giảm thuế và tăng chi tiêu mà Tổng thống Donald Trump và Quốc hội Mỹ đã thông qua là rất sai thời điểm. Theo ông, làm như vậy thâm hụt ngân sách tăng lên trong khi nước Mỹ đang ở trạng thái toàn dụng lao động. Những hệ lụy trong dài hạn từ việc nợ Chính phủ tăng lên nhanh chóng cũng là điều mà Bernanke lo ngại. Thâm hụt ngân sách và nợ tăng đồng nghĩa Chính phủ Mỹ có ít dư địa hơn để có thể kích cầu như đã làm trong cuộc khủng hoảng trước.
"Nếu như chúng ta không hành động, đây sẽ cuộc khủng hoảng kinh tế hoặc khủng hoảng tài khóa tồi tệ nhất mà chúng ta phải trải qua. Cuộc khủng hoảng này sẽ từ từ bóp nghẹt nước Mỹ", ông Paulson cũng đồng quan điểm.
Hiện tổng nợ liên bang đang ở mức 77% GDP, cao gấp đôi so với năm 2007.
Khả năng ứng phó của Fed cũng bị bó hẹp hơn trong bối cảnh lãi suất thấp như hiện nay. Mục tiêu lãi suất cơ bản đang ở mức 1,75 – 2%, so với mức 5,25% của tháng 7/2007.
Tuy nhiên ông Bernanke cũng nhận xét rằng Fed đang ở vị thế tốt hơn so với NHTW của các nền kinh tế phát triển khác. Ví dụ, NHTW châu Âu (ECB) còn đang để lãi suất 0%.
Các cựu Chủ tịch Fed đồng tình rằng Mỹ đã tiến bộ rất nhiều trong khả năng giải quyết các định chế tài chính sụp đổ mà không cần phải giải cứu như trong quá khứ. Tuy nhiên theo ông Paulson, điều quan trọng nhất khi khủng hoảng nổ ra là các nhà hoạch định chính sách phải có được sự hỗ trợ tạm thời để giải quyết vấn đề nhanh chóng, kể cả khi họ vấp phải những khó khăn về mặt chính trị.