Khi bàn về đại dịch Covid-19 từ góc nhìn kinh doanh, dường như thế giới đang bị tách làm 3.
Một mặt, thế giới tràn ngập các dữ liệu kinh tế vĩ mô cực kỳ tồi tệ liên tục "dội vào đầu" các nhà đầu tư. Ví dụ, nền kinh tế Mỹ mất tới 20,5 triệu việc làm chỉ trong tháng 4. Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 14,7%. Hầu hết các chuyên gia, kể cả Chủ tịch Fed St. Lous James Bullard, gần đây đều đưa ra dự báo những điều tồi tệ nhất chưa đến.
Bên cạnh đó cũng là những tin tức xấu về giới doanh nghiệp Mỹ. Neiman Marcus và J Crew mới nộp đơn phá sản, ngập chìm trong nợ và những cửa hàng phải đóng cửa vì đại dịch. J.C. Penney được cho là sẽ sớm làm điều tương tự.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I là những lời bàn luận về kế hoạch sa thải diện rộng, thông báo điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và những cách để huy động thêm tiền mặt giúp sống sót qua cơn bão Covid-19.
Nhưng TTCK đã phớt lờ tất cả những tin xấu này. Chỉ số S&P 500 đã tăng khoảng 23% so với mức đáy hồi tháng 3. Vì sao lại như vậy? Theo Yahoo Finance, một thế giới mới đang bắt đầu nổi lên, với những chỉ báo sớm cho thấy các doanh nghiệp đang dần hồi phục dù đà hồi phục rất yếu và chậm chạp.
Các khách sạn ở Trung Quốc dần quay trở lại quỹ đạo
Trung Quốc là nơi đầu tiên thực hiện các biện pháp phong tỏa và cũng là nước đầu tiên mở cửa trở lại trên quy mô lớn, do đó vẫn được coi là "phong vũ biểu" thể hiện đà hồi phục của các nền kinh tế sẽ như thế nào sau khi dỡ bỏ phong tỏa.
Kevin Jacobs, CFO của chuỗi khách sạn Hilton, cho biết tỷ lệ đặt phòng ở Trung Quốc đã tăng nhẹ so với thời kỳ tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng. Trong dịp nghỉ Quốc tế lao động vừa qua, tại 150 khách sạn của chuỗi ở trung Quốc, tỷ lệ đặt phòng trung bình đã tăng 50%. Ngoài ra công việc tại các dự án xây khách sạn mới cũng đã được khởi động lại.
Còn tại Marriott, tỷ lệ đặt phòng tại hơn 340 khách sạn ở Trung Quốc đã tăng từ mức 10% trong tháng 2 lên 25% trong tháng 4, theo CEO Arne Sorsenson.
Tất nhiên chưa thể ăn mừng với những con số này, nhưng chừng đó là đủ bằng chứng để thấy rằng ngành du lịch đang dần hồi phục và không phải 100% khách hàng không muốn đi du lịch.
Ngành fast food hồi phục
Trong tháng 3, các cửa hàng đồ ăn nhanh đã thiệt hại nặng do người dân phải ở trong nhà và cũng lựa chọn thực phẩm đóng gói nhiều hơn để tiết kiệm tiền. Tuy nhiên, chi tiêu cho đồ ăn nhanh đã bắt đầu tăng trở lại, nhờ các nhà hàng tối ưu hóa dịch vụ giao đồ ăn và mọi người bắt đầu quay trở lại công sở.
Doanh thu của Wendy’s chỉ giảm 10% trong tuần kết thúc vào ngày 26/4, so với mức giảm 30% trong tuần cuối của tháng 3. Mức giảm doanh thu của Dunkin’ Brands US cũng giảm từ 35% trong giai đoạn cuối tháng 3, đầu tháng 4 xuống còn 25% trong tuần kết thúc vào ngày 25/4. Đặc biệt, doanh thu của Wingstop tăng 33,4%.
Người dân đi mua xe ô tô trở lại
Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hoàn toàn có thể chạm mốc 20% trong tháng 5, dường như không ai muốn tìm mua 1 chiếc xe mới. Số xe (cả mới và cũ) bán ra trong 10 ngày cuối cùng của tháng 4 giảm 19%, khá hơn so với mức giảm lên tới 52% trong 10 ngày đầu của tháng, theo số liệu của AutoNation.
Con số này khiến một số người nghĩ về sự hồi phục nhu cầu ở thị trường Mỹ nói riêng và thị trường quốc tế nói chung. "Chúng tôi nghĩ rằng sẽ rất tốt nếu Trung Quốc phục hồi theo hình chữ V, nhưng điều đó khó có thể xảy ra. Còn thị trường Bắc Mỹ, đặc biệt ở Mỹ, đã có dấu hiệu hồi phục và có nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường Mỹ không xuống đáy tồi tệ như Trung Quốc", CEO Mary Barra của GM nói.
Kinh tế thế giới đã tiến được một vài bước rất nhỏ, nhưng dù nhỏ thì vẫn hơn là không có gì và vẫn nên lạc quan vì điều đó.