Như vậy là chốt đến phiên cuối tuần qua, cổ phiếu SRA của Công ty cổ phần Sara Việt Nam đã tăng hơn 6 lần chỉ trong hơn 1 tháng, từ ngưỡng 9.300 đồng lên 63.900 đồng/cổ phiếu. Mức tăng chóng mặt của SRA có thể coi là khá lạ, là "con sóng vàng" trên thị trường chứng khoán Việt. Phải thừa nhận rằng, những người đã may mắn ở trên "tàu" đang được hưởng lợi nhuận kếch xù từ sự biến động giá này.
Những phân tích của chúng tôi trong các bài viết trước đều cho thấy một số điểm nhấn đáng chú ý sau:
- Hoạt động kinh doanh có sự thay đổi đáng kể, về cả chiến lược kinh doanh lẫn kết quả bước đầu. Công ty cũng đã bổ sung hàng loạt ngành nghề kinh doanh mới liên quan dược, vật tư y tế…vào đăng ký kinh doanh.
- Công ty đã có kế hoạch kinh doanh tham vọng năm 2018 và điều này đã được Đại hội cổ đông thông qua. Kết quả kinh doanh đầy bất ngờ 6 tháng đầu năm 2018 chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch lợi nhuận cả năm của SRA.
- SRA có kế hoạch tăng vốn "khủng" từ 20 tỷ đồng hiện tại lên 180 tỷ đồng tương ứng tăng 9 lần. Mỗi cổ phiếu của cổ đông hiện hữu sẽ được quyền mua thêm 8 cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cp. 160 tỷ đồng thu về dự kiến sử dụng để đầu tư 3 dự án gồm: Liên doanh liên kết lắp đặt hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính 640 lát cắt tại Bệnh viên Đa khoa Tỉnh Phú Thọ; Liên doanh liên kết lắp đặt hệ thống máy chụp cộng hưởng từ 3.0 tại Bệnh viện đa khoa Tỉnh Phú Thọ và Liên doanh liên kết lắp đặt hệ thống máy Spect tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.
- Công ty dường như đã có sự "đồng thuận" nhất định trong bộ máy khi mà Đại hội cổ đông vừa qua, mọi vấn đề HĐQT đệ trình đều được thông qua với tỷ lệ 100%.
Tuy những điểm nhấn kể trên đều là những vấn đề nhà đầu tư có lý do để kỳ vọng nhưng chúng tôi cũng xin lưu ý nhà đầu tư những điểm sau:
-Thứ nhất: Giá trị sổ sách tính trên mỗi cổ phần của SRA tại thời điểm 31/12/2017 là 13.605 đồng. Giá thị trường cổ phiếu SRA đang là 64.000 đồng. Sự cong vênh đáng kể giữa giá trị ghi sổ và giá thị trường này là điều "phi lý" khó hiểu của cổ phiếu SRA.
-Thứ hai: Nhìn vào cả 3 dự án lớn mà SRA dự kiến đầu tư nếu tăng vốn thành công có thể thấy, quanh đi quanh lại chỉ thấy một cái tên duy nhất nổi cộm lên: Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Khi tất cả trứng đang định dồn về một giỏ thì có lẽ, tiềm năng khai thác các dự án liên doanh, liên kết kể trên là một câu hỏi lớn.
-Thứ ba: Nếu so sánh với kết quả hoạt động kinh doanh của các công ty chuyên ngành vật tư y tế đang giao dịch cổ phiếu trên các sở giao dịch chứng khoán hiện hữu thì có vẻ như con số doanh thu, lợi nhuận mà SRA đưa ra có thể chỉ là con số mang tính chất thời điểm cao. Ví dụ Dược - Vật tư Y tế Đăk Lăk (UpCOM-DBM) hay Công ty cổ phần Dược Vật tư Y tế Hải Dương (UpCOM-DHD) hay Công ty Cổ phần Dược - Vật tư Y tế Thanh Hóa (OTC-DTH) thì nhiều năm qua, dù vẫn hoạt động kinh doanh "ngon" nhưng EPS chưa bao giờ vượt quá 10.000 đồng/cổ phiếu. Thậm chí, Công ty cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (HOSE-JVC) từng nổi danh trong ngành thiết bị y tế một thời cũng mới có một năm duy nhất đạt EPS hơn 11.000 đồng vào năm 2010 sau đó cũng chỉ loanh quanh ngưỡng 5-6.000 đồng/cổ phiếu. Hay nói cách khác, mức EPS 6 tháng đầu năm 2018 của SRA lên đến 14.393 đồng đang khá bất hợp lý so với ngành và có thể, mức sinh lợi cao này chỉ có thể duy trì thời gian ngắn.