Hàng triệu người trên thế giới đã mất việc làm vì sự lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra.
Nếu bạn cũng rơi vào trường hợp đó và đang đau đầu với đống hoá đơn cần thanh toán hoặc không biết phải làm sao để vượt qua cơn khủng hoảng này với khoản tiền tiết kiệm ít ỏi trong tay, hãy lắng nghe lời khuyên từ các chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới để có thể tiết kiệm cả "đống tiền" sau đại dịch.
1. Cắt giảm mọi chi phí không cần thiết
Nếu bạn cảm thấy mình đang có quá nhiều khoản phải chi tiêu, hãy xem xét lại các khoản chi phí của mình. "Điều quan trọng bạn cần làm là loại bỏ những khoản chi tiêu mà bạn cảm thấy không cần thiết; nghĩa là nếu không có chúng, bạn vẫn có thể sống khoẻ mạnh và hạnh phúc, ở thời điểm hiện tại", Kelly Crane – chuyên gia tài chính đến từ Quỹ quản lý tài sản Napa Valley chia sẻ trên CNBC.
Hãy lập danh sách các khoản chi tiêu hiện nay của bạn và gia đình, sau đó khoanh tròn những danh mục bạn đang "muốn mua"; chẳng hạn điện thoại, quần áo và đồ điện tử. Hãy cố gắng lược bớt những món đồ bạn "muốn mua" và chỉ giữ lại những thứ bạn thấy "cần mua". Bên cạnh đó, đừng "sa đà" vào mua sắm online!
Sau khi gạch bỏ những món đồ "muốn mua", bạn sẽ thấy ngân sách của mình tăng thêm một vài con số 0. Hãy tiếp tục rà soát danh mục chi tiêu này một lần nữa và cân nhắc xem liệu bạn có cần duy trì gói cước điện thoại đắt đỏ như trước đây, thuê người dọn vệ sinh hàng tuần hay các dịch vụ giao hàng tại nhà. Bạn hãy tự đặt câu hỏi: "Liệu không có chúng, mình có tiếp tục sống được không?" Nếu câu trả lời là "Có", hãy tiếp tục cắt giảm các khoản chi tiêu này.
Dịch vụ giao hàng tận nhà hay gói cưới điện thoại đắt đỏ có thể cần thiết ở bất kỳ thời điểm nào; nhưng nó thực sự không cần thiết ở thời kỳ cả thế giới lâm vào khủng hoảng vì dịch bệnh như hiện nay.
Từ đó bạn có thể xác định được chi phí cuối cùng "cần chi tiêu" cho cả gia đình. Đây cũng chính là bài toán ngân sách mà bất cứ ai muốn tiết kiệm đều cần phải lưu ý. Chi phí cuối cùng bao gồm tiền thuê nhà hoặc tiền thế chấp ngân hàng định kỳ, thực phẩm, thuốc men và bảo hiểm.
Đặt thứ tự ưu tiên cho các khoản chi tiêu
Nếu bạn không có tiền tiết kiệm hoặc chỉ có một khoản tiền nhỏ đủ chi tiêu trong thời gian ngắn, đây có thể là lúc bạn phải đặt thứ tự ưu tiên cho nhóm chi phí "cần chi tiêu" ở trên. Nghĩa là không phải tất cả những thứ "cần chi tiêu" đều cần phải "được chi tiêu".
Thực phẩm và nhà ở nên nằm trong nhóm ưu tiên hàng đầu của bạn. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc trả tiền thuê nhà hoặc tiền thế chấp, bạn có thể liên hệ với chủ nhà hoặc ngân hàng để thương lượng về thời hạn thanh toán. Đây là điều hoàn toàn hợp lý bởi ai cũng gặp khó khăn trong bối cảnh đại dịch.
"Chính phủ cần yêu cầu các ngân hàng nới lỏng thời hạn hoặc giảm lãi suất cho vay đối với người mua nhà hoặc chủ đất. Chẳng hạn, ở Mỹ các khoản thanh toán mua nhà được giảm hoặc tạm dừng tối đa 12 tháng", Andrew Westlin – chuyên gia tài chính tại Betterment chia sẻ trên CNBC.
Tương tự như vậy, đối với thực phẩm, bạn cũng nên thiết lập danh sách những thứ "thực sự cần thiết". Làm được điều này, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền khi tránh mua những món đồ không thực sự cần thiết, thậm chí "không bao giờ ăn tới".
Sau khi ưu tiên thực phẩm và nhà ở, bạn cần "để mắt" tới các hoá đơn: hoá đơn điện, nước, điện thoại... Nếu có thể, bạn hãy liên lạc với nhà cung cấp dịch vụ và thương lượng xem liệu có thể thanh toán chậm hơn hoặc chia làm nhiều đợt thanh toán hay không.
Trả nợ ít nhất có thể
Nếu bạn có đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến kỳ hạn, hãy thực hiện chúng. Nếu bạn không thể, hãy liên hệ với ngân hàng/ nhà cung cấp dịch vụ. Hầu hết các Chính phủ đều có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị mất việc bởi Covid-19, do vậy rất có thể sẽ có những gói cứu trợ dành cho bạn.
Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng thực hiện. "Bạn sẽ không bao giờ biết có những ưu đãi đặc biệt dành cho mình nếu bạn không hỏi", chuyên gia tài chính Westlin khẳng định.