1. Thời gian tạm hoãn hợp đồng không được trả lương, đóng bảo hiểm
Căn cứ khoản 2 Điều 30 Bộ luật Lao động, trong thời gian tạm hoãn, quyền lợi của của người lao động được giải quyết như sau: Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Có thể hiểu đơn giản tạm hoãn hợp đồng lao động là việc tạm dừng thực hiện hợp đồng lao động trong một thời gian nhất định vì các lý do theo pháp luật quy định hoặc thỏa thuận giữa các bên.
Như vậy, nếu không có thỏa thuận riêng thì trong thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động, người lao động sẽ không được trả lương và hưởng các quyền lợi theo hợp đồng lao động.
Về việc tham gia bảo hiểm xã hội, căn cứ vào khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH, nếu thời gian tạm hoãn hợp đồng từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì tháng đó người lao động sẽ không được đóng các loại bảo hiểm của tháng đó.
2. Hết thời hạn tạm hoãn, người lao động được trở lại làm việc
Trong trường hợp tạm hoãn hợp đồng bởi Covid-19 là do thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động thì thời hạn tạm hoãn hợp đồng sẽ do các bên tự thỏa thuận.
Sau khi hết thời hạn này, người lao động sẽ được nhận trở lại để tiếp tục làm việc. Nội dung này được hướng dẫn cụ thể tại Điều 31 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Như vậy, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng đã giao kết nếu hợp đồng đó còn thời hạn.
Nếu không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận khác), người sử dụng lao động sẽ bị phạt hành chính với mức tiền từ 03 - 07 triệu đồng (căn cứ điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 28/2020/NĐ-CP).
Ngoài ra, người sử dụng lao động còn buộc phải trả lương cho người lao động trong những ngày không nhận người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Nghị định 28/2020.
3/ Tạm hoãn hợp đồng lao động do Covid-19 được nhận tiền trợ cấp
Theo Nghị quyết 68/NQ-CP, không phải mọi người lao động tạm hoãn hợp đồng hay nghỉ việc không hưởng lương đều được nhận hỗ trợ từ Nhà nước. Tuy nhiên muốn được hỗ trợ, người lao động phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục từ cấp mầm non đến trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước để phòng, chống dịch Covid-19.
- Có thời gian tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương từ 15 ngày liên tục trở lên tính từ 01/5/2021 - hết 31/12/2021.
- Đang tham gia BHXH bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không lương.
Mức hỗ trợ dành cho người lao động được xem xét dựa trên thời gian mà người lao động phải tạm hoãn hợp đồng:
- Tạm hoãn từ 15 ngày liên tục trở lên - dưới 01 tháng: Trợ cấp 01 lần = 1.855.000 đồng/người
- Tạm hoãn từ 01 tháng trở lên: Trợ cấp 01 lần = 3.710.000 đồng/người
- Trường hợp đang mang thai, lao động nữ được hưởng thêm: Mức hỗ trợ thêm = 01 triệu đồng/người
- Trường hợp đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi, người lao động được nhận thêm tiền hỗ trợ(chỉ hỗ trợ 01 người là cha hoặc mẹ): Mức hỗ trợ thêm = 01 triệu đồng/trẻ em