Sau khi Văn phòng Chính phủ ra thông báo Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho xuất khẩu gạo có kiểm soát, ngày 10/4, Bộ Công Thương đã có Quyết định 1106/QĐ-BCT về công bố hạn ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng gạo trong tháng 4/2020. Trong đó, có quy định về việc thương nhân đăng ký hải quan và các quy định khác liên quan, có hiệu lực thực hiện từ 0 giờ ngày 11/4/2020.
Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, hiện còn mấy trăm ngàn tấn gạo nằm tại các cảng chưa được thông quan (Ảnh minh hoạ)
Thông tin này đã làm cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo ở vùng ĐBSCL vui mừng. Tuy nhiên, niềm vui mừng đó đã bị dập tắt khi họ không đăng ký được tờ khai hải quan thông qua hình thức trực tuyến.
Ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP.Cần Thơ) cho biết, phía công ty ông không khai được tờ khai hải quan nào.
“Từ khi Bộ Công Thương đã có quyết định 1106/QĐ-BCT về công bố hạn ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng gạo trong tháng 4/2020, phía công ty chúng tôi cho nhân viên trực liên tục trên mạng internet để khai hải quan nhưng đến nay vẫn không được một lô hàng nào" - ông Bình bức xúc nói.
Ông Bình nói rõ, ngày 11/4, hệ thống phần mềm Hải quan điện tử không mở nhưng đến sáng hôm sau, tức ngày 12/4, công ty tiếp tục lên hệ thống để thực hiện mở tờ khai thì hệ thống công bố là đủ chỉ tiêu. Quá bức xúc, phía công ty đã liên hệ một số doanh nghiệp khác thì được biết, Hải quan mở hệ thống phần mềm tiếp nhận tờ khai vào lúc từ 0 giờ ngày 11/4 đến 3 giờ sáng ngày 12/4 là đóng lại vì đủ hạn ngạch 400.000 tấn.
Đơn "cầu cứu" của Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An gửi Thủ tướng Chính phủ
Theo ông Bình, việc đăng ký trên cần phải được minh bạch vì công ty ông cố gắng trực vẫn không đăng ký được. Hơn nữa, phía công ty không tìm thấy bất kỳ thông tin công bố hoặc công văn có liên quan về việc mở hệ thống phần mềm tiếp nhận tờ khai và thông quan hàng gạo của Hải quan.
"Nếu Hải quan cho mở tờ khai thì việc đầu tiên phải cho các lô gạo của các doanh nghiệp đã và đang khai dở dang xuất khẩu, sau đó mới cho khai mới. Từ trước ngày 24/3/2020 đến nay, công ty đã phải tạm dừng đăng ký và thông quan đối với các lô hàng gạo xuất khẩu đã và đang trên đường lên cảng. Hiện tại đang có mấy trăn ngàn tấn gạo đã nằm tại các cảng đang chờ thông quan" - ông Bình thông tin.
Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho hay, vừa làm công văn này gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương đề nghị xem xét khẩn cấp về vụ việc nêu trên.
Liên quan đến việc đăng ký tờ khai hải quan, đại diện phía Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long) cho hay, chỉ đăng ký được 30 container.
"Công ty có 70 container ùn ứ ngoài cảng nhưng cố gắng lắm mới khai được 30 container, còn 40 container không khai được" - ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho biết.
Ông Thành còn cho biết, không chỉ có doanh nghiệp ông mà có rất nhiều doanh nghiệp khác đã không làm thủ tục mở tờ khai hải quan được.
Cũng theo ông Thành, việc mở cổng khai hải quan được thực hiện rạng sáng 12/4, chỉ vài tiếng sau đã đủ số lượng . Rất nhiều doanh nghiệp không hay thông tin này nên không đăng ký được. Việc doanh nghiệp không mở được tờ khai hải quan sẽ tiếp tục gặp khó khăn vì hàng còn ùn ứ ngoài cảng rất lớn.
Ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công Thương TP.Cần Thơ cho biết, sau khi nhận được quyết định của Bộ Công Thương, phía Sở đã thông báo cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo lên hệ thống hải quan điện tử làm tờ khai hải quan. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phản hồi vẫn chưa xuất khẩu được. Nhiều doanh nghiệp còn cho biết, đang rất khó khăn vì hàng đã kéo ra cảng từ cuối tháng 3, phải lưu lại kho bãi chờ đến nay. Tính riêng các doanh nghiệp ở TP.Cần Thơ, hiện có gần 10.000 tấn gạo đang nằm ở kho cảng, trên các ghe tàu chờ xuất khẩu, chi phí phát sinh mà các doanh nghiệp phải trả là rất cao. |