Vào hôm thứ Hai vừa qua, chứng khoán Mỹ đã có mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10 do nhà đầu tư lo ngại về virus cúm Vũ Hán nên chuyển dòng vốn từ tài sản rủi ro sang các nguồn trú ẩn an toàn. Theo thống kê của Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc, số người tử vong trong đợt dịch này hiện đã lên tới 170, với hơn 6.000 ca nhiễm bệnh trên toàn thế giới.
Sự phát tán nhanh chóng của virus này trên khắp thế giới đã được phản ánh "dữ dội" trên thị trường toàn cầu, Shah phát biểu vào hôm thứ Hai. Tốc độ rủi ro (nghĩa là tốc độ mà các rủi ro lớn và những sự kiện "thiên nga đen" ảnh hưởng đến giá trị tài sản) ngày nay cao hơn so với 10 năm trước và rõ rệt hơn nhiều so với trong đợt dịch SARS, Shah nói thêm.
Trong khi đó, các nhà phân tích khác lại tránh so sánh giữa SARS và virus Vũ Hán. "Sử dụng đại dịch năm 2003 làm thước đo là vô ích", chuyên gia phân tích Tom Porcelli của RBC Capital Market cho biết, đồng thời nói thêm rằng sự khởi đầu của cuộc xung đột giữa Mỹ - Iran ở Iraq và tình hình kinh tế yếu hơn đã tạo nên một bối cảnh khác biệt lớn so với khi SARS tấn công các thị trường toàn cầu.
Theo Shah, đây là ba lý do vì sao tốc độ rủi ro đã tăng lên trong thập niên qua và tin tức về virus corona lại làm chao đảo thị trường nhanh đến vậy.
Các phương tiện truyền thông xã hội khiến cho mọi chuyện bị khuếch đại
Sự ra đời của phương tiện truyền thông xã hội và tính sẵn có của nó trên một số thiết bị cho phép thông tin đi khắp thế giới nhanh hơn bao giờ hết và tốc độ đó đã giúp tạo ra một "căn buồng vang" toàn cầu cho những điều khiến thị trường hỗn loạn như vậy, Shah viết.
"Căn buồng khuếch đại sự lo lắng của thị trường này chưa bao giờ mạnh hơn thế", bà nói thêm.
Những cập nhật về số người nhiễm bệnh và tử vong vì virus corona đã có sẵn cho các nhà đầu tư trước khi thị trường Mỹ mở cửa. Việc virus này tiếp tục lây lan trên toàn cầu đã nhanh chóng được phản ánh trong sự suy giảm của thị trường và thậm chí ở các cổ phiếu dược phẩm cụ thể.
Chuỗi cung ứng liên kết toàn cầu
Các chuỗi cung ứng toàn cầu giờ đây được liên kết với nhau nhiều hơn trước đây và sự phức tạp của các mạng lưới thương mại quốc tế khiến cho nền kinh tế thế giới có nguy cơ bị sụp đổ nếu virus lan truyền đủ rộng. Mặc dù những công ty có trụ sở tại Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với sự ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng các công ty hoàn toàn tách rời khỏi đất nước này sẽ bắt đầu cảm thấy áp lực khi khách hàng và nhà cung cấp của họ bị "dính" vào ổ dịch, Shah lưu ý.
"Khi các chuỗi cung ứng toàn cầu được nhân lên và trở nên phụ thuộc lẫn nhau hơn thì khả năng xảy ra một hiệu ứng domino nhanh chóng là cao hơn bao giờ hết", chiến lược gia này viết.
Apple là một trong những công ty cảnh báo về khả năng virus corona ảnh hưởng đến thu nhập trong báo cáo hàng quý mới nhất của họ. Giám đốc tài chính Luca Maestri lưu ý rằng hướng dẫn của công ty về doanh thu tài khóa quý hai là "rộng hơn bình thường" để phản ánh sự bất ổn xung quanh virus này và cách nó có thể ảnh hưởng đến các nhà cung cấp.
Giá cao kỷ lục
Tin tức về sự bùng phát virus corona đã kéo các chỉ số chứng khoán Mỹ rớt khỏi mức cao kỷ lục của chúng, tuy nhiên tài sản vẫn được định giá theo cách không tính đến sự hỗn loạn tiếp tục mà virus này có thể mang lại, Shah viết. Bất kỳ sự gián đoạn kéo dài nào cũng có thể nhanh chóng được phản ánh trong giá cổ phiếu, bà nói thêm.
Giá cổ phiếu cũng phản ánh một sự kỳ vọng về tăng trưởng toàn cầu ổn định, nhưng đợt bùng phát này đã đe dọa sự phục hồi ở một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vào hôm thứ Tư vừa qua, JPMorgan đã hạ ước tính GDP cả năm dành cho Trung Quốc.
"Nếu cường độ và thời gian của cú sốc virus corona lớn hơn và dai dẳng hơn, thì cơ sở cho các dự báo kinh tế năm 2020 tích cực sẽ bị hủy bỏ", Shah viết.