Thị trường chứng khoán hiện là kênh thu hút dòng tiền lớn và ghi nhận số lượng nhà đầu tư mới ngày càng tăng. Tuy nhiên tỷ lệ thắng trên thị trường này ước tính chỉ vài phần trăm và không ít người đã phải trả giá vì thiếu kiến thức, thiếu sự đầu tư bài bản.
Dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ tới độc giả bài viết của anh Phạm Ngọc Linh - nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty quảng cáo ngoài trời tích hợp Unique (Unique OOH), Phó chủ tịch CLB Tiếp thị & Truyền thông Việt Nam (VMCC), về trải nghiệm của một người "ngoại đạo" sau 3 năm “chơi” chứng khoán.
Tôi chia sẻ bài viết này dành cho các bạn mới biết "chơi" chứng khoán với những kinh nghiệm xương máu của một người chơi đúng nghĩa tròn 3 năm ròng.
Tại sao tôi dùng từ "chơi"?
Có lẽ nhiều bạn cũng giống tôi, không thực sự có nhiều hiểu biết về chứng khoán mà chủ yếu tham gia vì FOMO - nỗi sợ bị bỏ lỡ: thấy nhiều người xung quanh chơi, thấy họ lãi nhiều quá và kiếm tiền dễ dàng quá nên mình cũng muốn thử xem.
Với tôi, đó là "chơi" chứ không phải đầu tư, vì đầu tư cần nhiều kiến thức và sự nghiên cứu bài bản.
“Chơi” chứng khoán như thế nào?
Ban đầu, tôi và có lẽ không ít người khác thường nghe người nọ người kia, lang thang trong các group đầu tư chứng khoán, rồi thấy bạn bè xung quanh phím mã cổ phiếu nào thì mua mã đó.
Sau khi mua rồi thì bắt đầu mê và háo hức lắm, bởi vì ngày ngày thấy giá trị danh mục của mình tăng giảm rất dễ dàng. Đặc biệt là khi thắng thì càng cảm thấy việc kiếm tiền trên thị trường này dễ dàng quá, từ đó mà càng mê hơn.
Sau khi mê và có chút thắng lợi, chúng ta tưởng mình giỏi và bắt đầu "nghiên cứu" những cổ phiếu khác để mua mua, bán bán. Cách nghiên cứu cũng rất “hai lúa”, chủ yếu là xem giá tăng - giảm theo chu kỳ, khi thấy cổ phiếu giảm giá thì mua và tin tưởng mình sẽ thắng mà thôi.
Nhưng sự thật là, khi giá cổ phiếu giảm, ta mua và tưởng rằng đang bắt đáy, nếu giá giảm tiếp thì mua thêm trung bình giá, trung bình giá vài lần vẫn thấy giá giảm, giữ vài tháng rồi vẫn lỗ đôi chục %, vậy là ngậm ngùi cắt lỗ. Còn khi lãi thì lòng tham nổi lên, thay vì chốt lời ở 10-20%, chúng ta lại đặt kỳ vọng 50%, 100%. Kết quả là giá lại giảm về mốc ban đầu hoặc thậm chí lỗ vì chứng khoán mà, sóng lên sóng xuống luôn liên tục.
Việc mua bán của những người “chơi” chứng khoán cứ quẩn quanh theo vòng lặp này.
Ảnh minh họa.
“Nghiện” chơi chứng khoán đến thế nào?
Nghiện lắm, mỗi sáng chỉ mong tới 9h15 để soi bảng điện tử. Dù chẳng còn tiền mua hay không có nhu cầu bán cũng mở ra xem, đặt ngay trước mặt để nhìn, đơn giản là nhìn cho sướng. Rồi tiếp tục như thế, ngồi soi tới 15h chiều mới thôi. Vậy là hết "1 ngày chứng khoán".
Ngày nào cũng như ngày nào, từ thứ Hai tới thứ Sáu, bảng điện tử xanh xanh đỏ đỏ lúc nào cũng song hành bên tôi, kể cả khi làm việc, thậm chí ngồi họp với mọi người, đi cafe với bạn/đối tác cũng liếc mắt xem, chơi golf cũng xem, lúc nào cũng xem.
Tôi đã từng trải qua cảm xúc trong một ngày có thể lãi hơn 800 triệu đồng và cũng qua một ngày bay hơn 1 tỷ đồng. Điều này thật tệ hại khi nó khiến tôi nhận thấy ranh giới kiếm tiền và mất tiền ở thị trường chứng khoán mong manh tới cỡ nào.
Do đó, chắc chắn những việc trên sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống, công việc và các mối quan hệ. Nó mang tới cho ta những cung bậc cảm xúc khác nhau trong ngày: xanh tím thì vui, đỏ thì chán chán, xanh lam thì thôi khỏi nói, khó có niềm vui.
Tương lai của một người “nghiện” chứng khoán?
Đương nhiên là mất sạch, cả công việc và cuộc sống đều không đi đến đâu, thời gian dành cho chứng khoán cũng trở nên lãng phí, vô ích. Thực tế, ai cũng tin tưởng chơi chứng khoán sẽ giàu, sẽ lãi to, vậy ai lỗ?
Rõ ràng VnIndex tăng kỷ lục nhưng nếu điểm mua bán không hợp lý thì vẫn thua. Rất ít người mới chơi chứng khoán mà mua và giữ cổ phiếu trong cả một năm giống như gửi tiết kiệm, hầu hết sẽ theo dõi bảng giá hằng ngày rồi mua - bán. Do đó, không nhiều người thực sự thắng trên thị trường này.
Muốn trở thành nhà đầu tư thực sự thì cần có trải nghiệm, kinh nghiệm và quan trọng nhất là kiến thức. Vậy nếu không dành thời gian học hành nghiêm túc, bài bản thì sớm muộn cũng sẽ thua. Bạn có thể ăn vài chục triệu, vài trăm triệu đồng một cách dễ dàng nhưng càng dễ thì càng khó chấp nhận dừng lại để tận hưởng, mà sẽ bỏ thêm vào gấp nhiều lần hơn thế, mong gặt hái gấp nhiều lần hơn thế và rồi…. ập, bạn chìm trong đau khổ, mất mát và còn rất lâu mới kiếm lại được.
Ảnh minh họa
Lời khuyên cho các bạn trẻ "chơi" chứng khoán?
Từ trải nghiệm của bản thân, tôi cho rằng muốn thắng thì phải bỏ công sức học tập, nghiên cứu nghiêm túc, có kế hoạch và nguyên tắc đầu tư rõ ràng, còn không thì bỏ đi mà làm người vui vẻ sống, thay vì làm con nghiện, con nợ.
Chứng khoán không dành cho những người thiếu kiến thức, thiếu thông tin. Ngay cả tỷ phú Warren Buffett, phải đến khi lớn tuổi rồi mới có triệu đô đầu tiên nhờ đầu tư chứng khoán. Tôi rất tâm đắc với một câu nói của ông: "Nếu bạn không muốn phải chờ rất lâu thì đừng quyết định rất nhanh", có nghĩa rằng chứng khoán hay bất cứ khoản đầu tư nào cũng cần được xem xét cẩn trọng, kỹ lưỡng.
Còn nếu bạn đang “chơi” rồi thì xác định mua “hàng ngon”, xóa app để đấy lâu dài thì cũng được. Hãy bỏ thói quen ngày nào cũng ôm bảng điện tử, nếu không, mọi công việc của bạn sẽ chẳng thể trọn vẹn và chẳng đi đến đâu.
Còn với tôi, như đã nói ở trên, 3 năm đã có quá nhiều bài học đau đớn. Bây giờ tôi đang đầu tư chứng khoán chứ không “chơi” nữa. Công việc của tôi hàng ngày là phát triển Unique ngày một lớn mạnh, các dự án quảng cáo ngoài trời có bao nhiêu bán hết chừng ấy thôi. Tôi yêu công việc mình đang làm, tôi trân trọng công việc cũng như những cơ hội mình đang có. Tôi tin đây mới chính là đầu tư và phát triển bền vững thay vì xanh đỏ tím vàng hàng ngày, hủy hoại những cảm xúc chân chất, ngọt ngào trong cuộc đời mình.