Trước sự tấn công ồ ạt của cơ quan chức năng, những đối tượng lừa đảo qua điện thoại đã có những chiêu trò mới để đối phó.
Sau 3 ngày liên tiếp nhận những cuộc gọi đe dọa từ nhóm đối tượng giả danh là Công an, Viện kiểm sát, một người phụ nữ đã mất gần 20 tỷ đồng vì tin vào "kịch bản" các đối tượng đã tạo dựng.
"Nó không bảo tôi là tội phạm, mà nó nói mình đang liên đới với một đối tượng đang bị bắt giữ. Nếu nó nói mình tội phạm thì mình đã biết rồi. Nó nói đến lĩnh vực ngân hàng, mà lĩnh vực ngân hàng tôi cũng đã tiếp xúc rồi nên tôi thấy đúng", nạn nhân cho hay.
Điều đáng nói, trong các vụ việc tương tự, các đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân gửi tiền vào số tài khoản mà các đối tượng chỉ định. Tuy nhiên, trong vụ án trên, các đối tượng chỉ yêu cầu nạn nhân mở một tài khoản ngân hàng mới, có đăng ký dịch vụ internet Banking, smart Banking gắn thêm số điện thoại của đối tượng, hoạt động song song với số của nạn nhân. Sau đó, các đối tượng đã chuyển và rút hết toàn bộ số tiền mà nạn nhân cũng không hề hay biết.
Một người phụ nữ đã mất gần 20 tỷ vì tin vào "kịch bản" các đối tượng đã tạo dựng. Ảnh minh họa - TTXVN. |
Trong diễn biến liên quan, lần theo những chứng cứ đã được thu thập Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hà Nôi vừa bắt giữ 4 đối tượng liên quan đến nhóm lừa đảo. Qua đấu tranh các đối tượng này khai nhận là chuyên làm giả các giấy tờ, mở các khoản ngân hàng để phục vụ cho nhóm lừa đảo rút tiền và rửa tiền.
Thiếu tá Bùi Quang Tùng - Phòng cảnh sát hình sự Công an thành phố Hà Nội nói: "Trước đây khi các đối tượng phạm tội, sau khi chiếm đoạt tài sản thường tiến hành rút tiền tại các chi nhánh hoặc cây ATM. Tuy nhiên, hiện nay các đối tượng lợi dụng việc mua bán tiền điện tử trên mạng khiến cho cơ quan chức năng không có căn cứ để thu giữ số tiền đã chiếm đoạt hoặc truy nguyên nguồn gốc tội phạm".
4 đối tượng liên quan đến nhóm lừa đảo bị bắt giữ. |
Theo Cục hình sự Bộ Công an, một trong những vấn đề để các đối tượng lợi dụng đó là đang còn nhiều sim rác, thủ tục mở tài khoản đang còn nhiều sơ hở. Công tác phối hợp của các đơn vị đang còn chưa chặt chẽ.
"Về tài khoản cá nhân, cơ quan chúng tôi muốn phong tỏa phải thực hiện một số thủ tục nhất định, rất bất cập trong thời gian chờ đợi. Khi nạn nhân bị hại chuyển tiền cho đôi tượng, đối tượng lại chuyện vào các tài khoản khác. Khi chúng tôi có văn bản đến nơi các đối tượng đã chuyển tiền đi", Trung tá Lê Văn Dĩnh - Phó trưởng phòng 8, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết.
Thời điểm các đối lượng lừa đảo rút tiền thường vào buổi trưa, tối hoặc cuối tuần. Đây là thời gian các giao dịch sẽ tạm ngừng nghỉ, nên khi nạn nhân và cơ quan chức năng dù có phát hiện ra cũng không kịp ngăn chặn.
(Theo VTV)