Ông Noppadol Dej-Udom, Giám đốc phát triển bền vững CP Group, đã có những chia sẻ về CP, tập đoàn sản xuất kinh doanh đa ngành nghề và là một trong những tập đoàn mạnh của Thái Lan trong lĩnh vực công - nông nghiệp và chế biến thực phẩm . Ông Udom chia sẻ thông tin tại một sự kiện của Forbes ở TP HCM mới đây.
3 nguyên tắc “sống còn” của tập đoàn hơn 300.000 nhân viên, xuất khẩu sản phẩm tới hơn 100 quốc gia
Tập đoàn CP đã có lịch sử 97 tuổi, xuất phát điểm là công ty chuyên sản xuất hạt rau củ quả, đến nay đã có 8 mảng kinh doanh khác nhau. Trên toàn thế giới, CP có khoảng 300.000 nhân viên. Sản phẩm của CP được xuất khẩu đi hơn 100 quốc gia trên thế giới.
CP có mặt tại Việt Nam từ năm 1988. Hiện tại Việt Nam, CP có 20.000 nhân sự, trong đó 98% là người Việt Nam, lãnh đạo CP cho biết.
"Tôi thăm quan nhà máy CP tại Việt Nam và thấy ở đây giống như ngôi nhà thứ hai", ông Udom nói. Để trở thành một công ty toàn cầu, CP có 3 nguyên tắc:
Thứ nhất, đó là mang lại giá trị cho quốc gia mà CP đến.
Thứ hai, đó là giá trị về con người.
Thứ ba đó là giá trị cho công ty.
Con người là yếu tố quan trọng
Ông Udom cho rằng, con người là yếu tố quan trọng và trong bối cảnh công nghệ 4.0 cũng vậy. Con người ở đây, theo ông Udom giải thích, đó là người tiêu dùng cuối cùng và cả con người trong tổ chức.
"CP bắt đầu chỉ là công ty chuyên sản xuất hạt rau củ quả, sau đó sang nuôi trồng, rồi cung cấp các sản phẩm thực phẩm cho người. Do đó phải liên tục phản ứng với những thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng. Và phải hiểu người tiêu dùng thì mới có thể làm được", ông Udom nói.
"Muốn hiểu được người tiêu dùng thì phải hiểu được con người trong tổ chức của mình. Và cuộc sống, công nghệ đang thay đổi rất nhanh".
Mỗi người trước đây có thể quản lý được 10 người, nhưng ngày nay công nghệ giúp quản lý, tổ chức tốt hơn, để công ty có năng lực cạnh tranh tốt hơn và cung cấp sản phẩm dịch vụ tốt hơn.
Ông Udom cho biết, CP quan niệm nông dân đang phải hy sinh, làm việc vất vả trên đồng ruộng để tạo ra nông phẩm. Từ nông dân phải qua trung gian, nhiều bước mới tới nhà sản xuất. “Ai chịu nhiều rủi ro nhất từ thiên tai? Chính là nông dân”, ông Udom đặt câu hỏi và tự trả lời.
“Muốn đo lường cuộc sống, phải đo từ chất lượng cuộc sống của nông dân. Người nông dân có mức sống như thế nào?”, đó là điều mà CP quan tâm.
Và với những người trung gian, khi công nghệ phát triển, thì vai trò của họ sẽ bị thu hẹp. CP sẽ đưa họ sang những mô hình khác để tạo ra giá trị. Tuy nhiên, cũng cần có lộ trình để thay đổi các đối tác, chẳng hạn như dịch chuyển những người trung gian sang mô hình khác để tạo giá trị.