Phương án 1 - di dời ra khu Tây Hồ Tây: Nhu cầu tài chính cần khoảng 11.897 tỷ đồng, nguồn vốn được huy động từ chuyển đổi 50 ha tại Mễ Trì thu về 10.000 tỷ đồng, vốn chuyển đổi đất trụ sở cũ khoảng 1.897 tỷ đồng.
Ưu điểm đó là khu vực này có cảnh quan đẹp, bối cảnh hạ tầng đô thị khu vực phát triển hiện đại, có nhiều cơ sở hạ tầng hỗ trợ và kết nối thuận lợi với trung tâm Ba Đình. Nhược điểm là sẽ tiếp tục khó khăn vì chưa xác định được quỹ đất thu hồi của tháp truyền hình Việt Nam.
Vị trí được xề xuất di dời 13 bộ ngành ra khỏi nội đô Hà Nội
Phương án 2 - di dời ra khu Mễ Trì: Việc chuyển 12 trụ sở bộ, ngành và Bảo hiểm Việt Nam cần khoảng 14.326 tỷ đồng, nguồn vốn chuyển đổi 20 ha đất khu vực Tây Hồ Tây khoảng 8.000 tỷ đồng, vốn chuyển đổi cơ sở cũ 6.326 tỷ đồng.
Ưu điểm là khu vực Mễ Trì có diện tích đủ lớn để bố trí cho các bộ, ngành. Nhược điểm là khu vực này có vị trí và cảnh quan không đẹp bằng khu Tây Hồ Tây; hạ tầng khu vực hiện đang quá tải nghiêm trọng, việc tập trung quá nhiều cơ quan và số người làm việc có nguy cơ ảnh hưởng tới giao thông khu vực; việc chuyển đổi đất ở Tây Hồ Tây sang thương mại, dịch vụ cần có ý kiến đồng thuận của các cơ quan liên quan.
Phương án 3 - di dời ra cả 2 khu vực Mễ Trì và Tây Hồ Tây, trong đó 20 ha tại Tây Hồ Tây bố trí 6 bộ, ngành; khu vực Mễ Trì Hạ diện tích 55 ha sẽ bố trí 7 cơ quan. Theo phương án này, việc chuyển đổi 13 cơ quan cần nhu cầu tài chính 17.000 tỷ đồng, trong đó vốn chuyển đổi cơ sở cũ 12.000 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước 5.000 tỷ đồng.
Ưu điểm của phương án này là có diện tích đất lớn cho các bộ ngành, không gây áp lực tới hạ tầng khu vực bố trí trụ sở làm việc của các cơ quan. Nhược điểm là khó khăn về bố trí nguồn lực nhà nước.
Đây là 3 phương án được VIUP đưa ra trong báo cáo bổ sung phương án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030.
Về việc sử dụng các khu đất vàng, theo báo cáo những khu đất vàng này sẽ thực hiện quản lý, sử dụng, chuyển đổi chức năng phù hợp với các quy hoạch, quy chế quản lý của TP Hà Nội. Công trinh có giá trị kiến trúc thì được bảo tồn, những trụ sở ở khu có hạ tầng tốt thì chuyển sang chức năng thương mại để tạo nguồn vốn đầu tư trụ sở mới.
Còn theo nhiều chuyên gia, người dân thì quỹ đất vàng này nên được sử dụng cho mục đích công cộng, phục vụ người dân, hạn chế xây cao ốc, nhà ở.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, việc di dời trụ sở các bộ ngành là vấn đề lớn đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định. Tuy nhiên nguồn lực thực hiện chưa có vì vậy xã hội hóa là cần thiết.
Theo Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc Trần Thu Hằng cho biết. Bộ Xây dựng sẽ xem xét 3 phương án trên căn cứ đảm bảo sự đồng thuận của các bộ ngành, đảm bảo tính khả thi mới triển khai thực thiện.