Kể cả khi bạn cảm thấy khó chịu vì Trung Quốc từng là tâm dịch Covid-19, bạn vẫn sẽ cảm thấy hài lòng với những kỹ năng lãnh đạo của Bắc Kinh. Chưa đầy 1 năm sau khi dịch bùng phát, cuộc sống ở đây đã quay trở lại bình thường trong khi châu Âu và Mỹ vẫn còn chật vật. Hiện kinh tế Trung Quốc là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh u ám của kinh tế toàn cầu.
Có thể chỉ ra khá nhiều điểm tốt ở Trung Quốc trong thời gian gần đây. Đeo khẩu trang không phải là vấn đề chính trị gây nhiều tranh cãi mà thay vào đó người dân đều tự giác. Các cấp lãnh đạo rất nghiêm túc về chuyện xét nghiệm virus. NHTW Trung Quốc không hoàn toàn chọn cách hạ lãi suất, bơm tiền rẻ để hỗ trợ nền kinh tế và cũng đang mở cửa thị trường tài chính dù chậm hơn cam kết. Do đó không có gì ngạc nhiên khi những nhà đầu tư nước ngoài đang "đỏ mắt" đi tìm mức lợi suất cao lại đổ xô mua tài sản Trung Quốc.
Dẫu vậy, vẫn còn nhiều điều mà đáng lẽ Trung Quốc có thể làm tốt hơn nữa. Cụ thể, trong năm 2020 vừa qua Trung Quốc đã mắc phải 3 sai lầm lớn.
Đánh giá quá thấp đà hồi phục hình chữ K
Chỉ vài tháng sau khi dịch bùng phát, thế giới đã nhanh chóng nhận ra hàng vạn cách mà Covid-19 làm gia tăng khoảng cách chênh lệch giàu nghèo. Các công ty công nghệ lớn và những nhân viên có thể làm việc từ xa không bị ảnh hưởng quá nhiều, trong khi những ngành dịch vụ - vốn có thu nhập thấp – lại buộc phải đóng cửa.
Đầu tháng 4, khi Trung Quốc là nước đầu tiên dỡ bỏ phong tỏa và quay trở lại cuộc sống bình thường, các cửa hàng nhỏ bắt đầu than phiền về những hợp đồng bất lợi mà những siêu ứng dụng giao thực phẩm yêu cầu họ ký vào. Họ bị buộc phải chọn lựa giữa các nền tảng và phải chịu mức phí đắt cắt cổ. Những ứng dụng này đã đe dọa đà hồi phục của ngành khách sạn và nhà hàng cũng như sinh kế của hàng triệu lao động. Đến tháng 10 ngành này mới có thể phục hồi hoàn toàn. Năm ngoái, họ sử dụng khoảng 33 triệu lao động.
Tuy nhiên đến tận giữa tháng 11 Bắc Kinh mới bắt đầu thực sự quan tâm đến sự mất cân đối này khi công bố 1 tài liệu dài 22 trang chỉ trích vấn đề độc quyền và nêu ra những biện pháp nhằm siết chặt quản lý các ông lớn công nghệ. Ngày 24/12, Alibaba chính thức bị điều tra về hành vi độc quyền. Tính đến nay, cổ phiếu Alibaba đã giảm 28% so với đỉnh lập hồi tháng 10.
Nền kinh tế bị phân tách và phục hồi theo hình chữ K không phải là điều gì đáng ngạc nhiên. Các dữ liệu kinh tế vĩ mô nói lên rất nhiều điều. Hoạt động sản xuất phục hồi nhanh chóng nhưng doanh số bán lẻ - thước đo niềm tin của người tiêu dùng – bị trễ mất vài tháng. Các mặt hàng xa xỉ như xe sang bán rất chạy và những cái tên như Chanel và Louis Vuitton thậm chí còn tăng giá bán.
Ở Mỹ và các nơi khác, niềm tin của người tiêu dùng được "bảo vệ" trước những ảnh hưởng từ suy thoái do Covid-19 một phần là bởi trợ cấp thất nghiệp và những tấm séc được phát tận tay. Còn ở Trung Quốc, giống như năm 2008, chính phủ nước này quyết định hỗ trợ nền kinh tế bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng, cụ thể là những con tàu cao tốc và trạm phát sóng 5G.
Có tổng cộng hơn 170 triệu người nhập cư đang sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn ở Trung Quốc. Hầu hết là công nhân trong các công trường xây dựng, nhà máy và nhân viên phục vụ trong ngành dịch vụ. Trong đại dịch, họ không chỉ mất đi việc làm mà còn không được nhận trợ cấp thất nghiệp. Nhưng theo quan điểm của Bắc Kinh, những người này không phải không có việc làm – họ vẫn luôn có thể về quê trồng trọt chăn nuôi. Chính phủ giảm thuế và tạo ra lợi ích cho các doanh nghiệp và những người giàu có thì những tác động tích cực sẽ "nhỏ giọt" xuống các tầng lớp khác.
Có lẽ quyết định ưu tiên trợ giúp các chủ doanh nghiệp hơn người lao động xuất phát từ việc chính phủ Trung Quốc muốn kiểm soát tốt hơn. Bắc Kinh cảm thấy rằng họ có thể buộc các nhà máy chạy hết công suất nhưng các hộ gia đình sẽ cất những tấm séc đi thay vì mang ra tiêu.
Liệu đây có phải là 1 bước đi khôn ngoan? Gần đây Trung Quốc có ước muốn chuyển đổi thành 1 nền kinh tế lấy tiêu dùng làm trung tâm bởi nền kinh tế phụ thuộc vào hoạt động sản xuất công nghiệp quá nhạy cảm với các chu kỳ kinh doanh. Tuy nhiên, thiếu vắng 1 mạng lưới an sinh xã hội sẽ dẫn đến niềm tin tiêu dùng bị sứt mẻ. Do đó cách kích thích cũ sẽ không còn hiệu quả.
Thấy gì từ vụ Jack Ma?
Ngay trong khi cuộc bầu cử Tổng thống của nước Mỹ thu hút sự chú ý của toàn thế giới, Trung Quốc vẫn có cách để "cướp show". Ngày 3/11, thương vụ IPO dự kiến sẽ là lớn nhất thế giới của Ant Group đã bị hoãn vô thời hạn chỉ 2 ngày trước lịch chính thức.
Washington đang trong giai đoạn chuyển giao quyền lực là cơ hội để Trung Quốc tăng sức hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư: đồng USD yếu khiến đồng nhân dân tệ hấp dẫn hơn, lợi suất trái phiếu ở Trung Quốc đang ở mức cao kỷ lục và 1 làn sóng các "kỳ lân" của đại lục chuẩn bị lên sàn. Đột nhiên sự hào hứng đó giảm mạnh sau vụ của Jack Ma.
Trong 1 thông báo rất ngắn gọn, sàn chứng khoán Thượng Hải cho biết Ant không đủ điều kiện để IPO. Đó không phải là 1 thông báo vô lý. Trong dịch, hoạt động cho vay tiêu dùng đã mở rộng quá nhanh. Các sự việc như thu mức lãi suất cắt cổ hay sử dụng sai mục đích các khoản trả trước đã trở thành vấn đề gây nhiều bất bình trong xã hội. Ngày 27/12, NHTW Trung Quốc yêu cầu Ant phải quay về cốt lõi là mảng thanh toán trực tuyến vốn đem lại ít lợi nhuận hơn.
Thực ra thì các nhà quản lý Trung Quốc đã tranh luận về cách quản lý mảng cho vay của Alibaba suốt 2 năm nay. Tuy nhiên, điều khiến nhà đầu tư chú ý là bài phát biểu của Jack Ma tại Thượng Hải 2 tuần trước đó. Vị tỷ phú đã chỉ trích hệ thống tài chính Trung Quốc, so sánh các ngân hàng giống như những "tiệm cầm đồ" chỉ cho những ai có tài sản đảm bảo vay tiền. Tờ Wall Street Journal đưa tin Chủ tịch Tập Cận Bình đã rất tức giận trước bài phát biểu này.
Sau 4 năm liên tục bị Tổng thống Trump công khai chỉ trích, có lẽ Trung Quốc không còn quan tâm quá nhiều đến việc PR như trước. Nhưng Trung Quốc vẫn cần đến tiền của nhà đầu tư nước ngoài, mà vụ IPO của Ant có thể khiến nhà đầu tư nước ngoài hoang mang.
Sai lầm trong xử lý các vụ vỡ nợ
Từ khoảng năm 2015 ở Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện làn sóng các doanh nghiệp quốc doanh (SOE) phá sản. Nhưng làn sóng mới nhất – bắt đầu từ tháng 9, sau khi kinh tế Trung Quốc đã hồi phục, lần đầu tiên các quy luật của thị trường bị thách thức.
Doanh nghiệp vỡ nợ là 1 trong những rủi ro mà nhà đầu tư vẫn luôn chuẩn bị tinh thần để đón nhận. Nhưng giờ đây họ nghi ngờ rằng các SOE sẽ chuyển hết tài sản tốt ra nơi khác trước khi các chủ nợ kéo họ ra tòa. Chỉ trong chưa đến 1 tháng, 3 SOE không liên quan gì đến nhau – 1 ông lớn ô tô ở Liêu Ninh, 1 công ty khai thác than ở Hà nam và 1 công ty sản xuất chip lớn – đều đã kịp làm như vậy trước khi tuyên bố phá sản.
Nhiều năm nay Bắc Kinh vẫn cố gắng phá bỏ quan niệm rằng chính phủ sẽ nhảy vào giải cứu bất kỳ SOE nào. Bằng cách nào đó những SOE thua lỗ vẫn có được mức xếp hạng AAA, và chênh lệch tín dụng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trị giá 4.000 tỷ USD của Trung Quốc cũng không đủ để tạo ra sự khác biệt giữa các trái phiếu dù chúng có mức độ rủi ro khác nhau.
Tuy nhiên dường như họ chỉ đang đi lòng vòng mà không vào thẳng vấn đề. Thường thì các bên bảo lãnh sẽ bị trừng phạt và các chính quyền địa phương sẽ đưa ra những lời hứa hẹn sáo rỗng mà thôi.
Đây là 1 sai lầm lớn. Cuối cùng thì các SOE vẫn ít có khả năng vỡ nợ hơn các doanh nghiệp tư nhân. Vì thế các nhà đầu tư nước ngoài thường mua trái phiếu do các SOE phát hành, tránh xa thị trường trái phiếu doanh nghiệp tư nhân.
Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn được biết đến là 1 nhà cải cách kinh tế. Chiến tranh thương mại do ông Trump phát động và Covid-19 đã ảnh hưởng đến nỗ lực đó. Giờ đây những lực cản đều sắp biến mất. Điều Trung Quốc cần làm là tận dụng cơ hội đó.
Tham khảo Bloomberg