Báo cáo về sự cố trên biển, ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết ngày 31/10, tàu QNa 91739 TS /36 người, xã Tam Giang, Quảng Nam bị sóng đánh chìm làm 2 người chết, cứu được 34 người, hiện sức khỏe ổn định.
Trong ngày 31/10, có 3 tàu chìm trên biển, 44 người thoát chết trong gang tấc. Ảnh IT
Không chỉ riêng tàu Quảng Nam bị sóng đánh chìm, cũng trong ngày 31/10, tàu cá KG 93952 TS bị sóng lớn chụp nước tràn tàu, 5 thuyền viên trên tàu được tàu hàng OCEAN TREASURE cứu vớt an toàn; tàu KG 93953 TS với 5 lao động, trên đường về Vũng Tàu tránh ATNĐ bị sóng đánh chìm. Các lao động được tàu hàng Singapore cứu vớt (chưa rõ số hiệu, đang tiếp tục xác minh).
Trước đó, ngày 30/10, tàu cá PY 96778 TS bị hỏng máy thả trôi trên biển, hiện đã được lai dắt và hiện đang neo đậu tại đảo Phú Quý;
Báo cáo tại cuộc họp ứng phó với ATNĐ, ông Vũ Xuân Thành, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, Biên phòng tuyến biển đã phối hợp với Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho: 51.366 tàu/259.370 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động di chuyển hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Về tình hình hồ chứa, hồ chứa thủy điện thuộc EVN trong khu vực đã thực hiện hạ thấp mực nước hồ để tạo thêm dung tích đón lũ, gồm các thủy điện: Trung Sơn (Thanh Hóa) xả 740 m3/s, Hố Hô (Hà Tĩnh) xả 6 m3/s, A Vương (Quảng Nam) xả 297,5 m3/s.
Để đối phó tốt với ATNĐ đang tiến vào Cà Mau, và các tỉnh lân cận, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương tiếp tục kiểm đếm, hướng dẫn theo dõi chặt chẽ tàu thuyền trên biển và nơi neo đậu, đặc biệt hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, thông tin cho các phương tiện để hướng dẫn, chủ động đối phó
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ và tình hình mưa, lũ tại khu vực Nam Bộ và ATNĐ gần Biển Đông;
Kiểm tra việc sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, kiên quyết không để người dân nào trên các phương tiện, tàu thuyền, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ;
Kiểm tra, hướng dẫn chằng chống nhà cửa, kho tàng, cơ sở dịch vụ du lịch đảm bảo an toàn; chủ động tiêu nước đệm hạn chế ngập úng;
Triển khai các đoàn công tác đến các địa bàn xung yếu để kiểm tra, rà soát phương án ứng phó nhất là việc huy động lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm để sẵn sàng triển khai theo phương châm “4 tại chỗ”.