Tại nhiều địa phương, do chăn nuôi có lợi nhuận cao nên nhiều hộ chăn nuôi muốn tái đàn song phần lớn đều gặp khó vì nguồn cung heo giống hiện đang thiếu trầm trọng.
Những tháng qua, heo giống luôn trong tình trạng sốt giá, từ hơn 2 - 3 triệu đồng/con lợn sữa tách mẹ; còn với heo hậu bị, chẳng những giá tăng gấp 3 lần so với trước đây mà còn khan hàng.
Theo người chăn nuôi, thách thức lớn nhất trong công tác tái đàn, tăng đàn hiện nay là khó khăn về nguồn giống. Người chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chưa thể tiếp cận được với nguồn heo giống của các doanh nghiệp trong nước, việc tái đàn gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều hộ chăn nuôi muốn tài đàn nhưng gặp rất nhiều khó khăn trở ngại |
Có một trở ngại với các hộ dân, đó là heo giống hiện chủ yếu được cung cấp bởi các tập đoàn chăn nuôi của nước ngoài. Nếu người dân muốn mua heo giống thì phải đi kèm với mua thức ăn của doanh nghiệp cung cấp, trong khi với điều kiện này nhiều người nuôi không mong muốn.
Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y Đồng Nai, cho biết, ngành NN-PTNT tỉnh đã thông báo với các địa phương đăng kí nhu cầu về heo giống và trên cơ sở đó, ngành đã làm việc với các công ty lớn cung cấp con giống.
Tuy vậy, hiện các đơn vị cung cấp con giống chỉ ưu tiên cho những trang trại lớn đảm bảo an toàn sinh học theo qui hoạch chăn nuôi của tỉnh; các hộ nhỏ lẻ vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn giống này.
Về nguồn con giống từ các hộ chăn nuôi, mặc dù đã có sự chia sẻ giữa các hộ nuôi lợn nái đẻ bán lợn giống với các hộ cần mua, nhưng bán giá cao. Lợn đực giống sau dứt sữa, trọng lượng 7-8 kg/con giá hơn 2 triệu đồng/con. Lợn giống cỡ 17-18 kg/con giá hơn 3 triệu đồng/con. Riêng lợn hậu bị trên 60-80kg/con không có hộ chăn nuôi nào chịu bán, dành để nuôi thương phẩm.
Nguồn lợn giống từ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không nhiều, giá bán cũng rất cao |
Là địa phương thường xuyên duy trì tổng số đàn lợn cao trong nhiều năm qua, nhưng đến thời điểm này, số hộ chăn nuôi ở Hà Nam tái đàn vẫn chưa cao. Thực tế, nhiều hộ còn dè dặt bởi ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi. Ngoài ra, còn có tình trạng khan hiếm con giống và giá thành đang ở mức cao.
Xã Văn Xá (huyện Kim Bảng) là một trong những địa phương phát triển chăn nuôi lợn mạnh của tỉnh Hà Nam với khoảng 500 hộ nuôi, lúc cao điểm tổng đàn đạt gần 7.000 con. Trong đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua, toàn xã phải tiêu hủy hơn 2.900 con lợn.
Trước đây Văn Xá có hơn 1.200 con lợn nái, không những đủ cung cấp con giống cho địa phương mà còn xuất bán cho các địa phương khác, nhưng nay chỉ còn gần 400 con. Những gia đình có lợn nái đẻ thì đều giữ lại để nuôi.
Do bị dịch tả lợn châu Phi, tháng 6-2019, gia đình ông Phạm Ngọc Tân, xã Văn Xá phải tiêu hủy toàn bộ gần 50 con lợn nái, lợn thịt. Từ đó đến nay, gia đình ông cũng bỏ trống chuồng trại. Tháng 1-2020, khi dịch được khống chế, gia đình có ý định tái đàn nhưng không thể tìm mua được con giống. Vừa rồi, phải nhờ chỗ người quen thân bán lại, gia đình ông Tân mới nhập được 12 con lợn giống loại 8 - 10 kg/con nhưng giá cũng rất cao (hơn ba triệu đồng/con).
Cũng như gia đình ông Tân, nhiều hộ chăn nuôi ở Hà Nam tính toán, giá lợn đang ở mức cao nhất từ trước tới nay, chăn nuôi trong thời điểm này thì người chăn nuôi sẽ có lãi gấp đôi. Nhưng việc tái đàn lợn đang gặp khó khăn do con giống cực kỳ khan hiếm và giá thành cao. Trong khi đó, người chăn nuôi phải mất khoảng năm tháng chăm sóc tích cực lợn mới được xuất chuồng, lúc đó chưa biết giá cả lên xuống thế nào. Hơn nữa, dịch tả lợn châu Phi cũng chỉ mới được khống chế nên họ chưa yên tâm. Bởi vậy, nhiều hộ chăn nuôi ở Hà Nam vẫn rất thận trọng khi tái đàn lợn, chuyển hướng sang chăn nuôi gia cầm và thủy sản.
Theo ông Dương Đức Hùng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Văn Xá: “Bây giờ giá lợn thịt đang cao, tuy nhiên để mua được lợn giống tái đàn thì rất khó khăn vì giá cao và khan hiếm. Chúng tôi vẫn khuyến khích bà con mua lợn giống ở những địa chỉ uy tín nhưng rất nhiều hộ chăn nuôi đặt đến hai, ba tháng vẫn không có con giống để mua”.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cho biết: Để giải quyết vấn đề thiếu con giống, trước mắt chúng tôi hướng dẫn các hộ chăn nuôi chọn trong số lợn thương phẩm, giữ lại những con đủ điều kiện làm lợn nái để tái đàn. Về lâu dài, chúng tôi chủ trương thực hiện giải pháp thụ tinh nhân tạo cho đàn lợn nái để sớm có nguồn lợn giống tái đàn. Đối với tái đàn, chúng tôi đã lưu ý hộ chăn nuôi một số vấn đề, đó là việc an toàn khử độc trước khi đưa lợn giống vào nuôi. Lợn giống đưa từ bên ngoài vào phải được kiểm dịch chặt chẽ trước khi tái đàn. Ngoài ra, các giống lợn thương phẩm khi đưa vào nuôi phải được theo dõi, nếu có hiện tượng nhiễm bệnh phải báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
(Theo Dân Việt)