Trao đổi trong phiên thảo luận tại Quốc hội hôm nay (1/11), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Nguyễn Xuân Cường tập trung vào các vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp và xử lý vi phạm trong lĩnh vực phân bón.
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, cơ quan quản lý nhận thấy 2 vấn đề nổi lên là tính thích ứng với biến đổi khí hậu và với thị trường của ngành mình.
Bộ trưởng nhận định 2 năm qua, diễn biến khí hậu cực đoan hơn, gay gắt hơn và nhiều dị thường hơn cả kịch bản được dự đoán, gây tổn thất nghiêm trọng. Vì vậy, tái cơ cấu nông nghiệp phải coi là vấn đề cơ bản để xây dựng các ngành hàng chủ lực.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường
Lấy ví dụ việc sản xuất nông nghiệp phải thay đổi để ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng cho biết ĐB Sông Cửu Long, trước đây là vựa nông sản, lúa gạo, thủy sản, trái cây. Nay vì vấn đề kể trên, thứ tự các mặt hàng phải thay đổi thành thủy sản (tôm và cá tra), trái cây, lúa gạo. Riêng với tôm, dư địa phát triển còn nhiều, khi thế giới có 7 tỷ người, mỗi người chỉ cần ăn 1kg là tiêu thụ được 7 triệu tấn, trong khi con số hiện tại mới là 5 triệu tấn. Ngoài ra, tôm cũng được chọn làm ngành hàng chủ lực với mục tiêu xuất khẩu tới năm 2025 đạt 8-10 tỷ USD.
Về tính thích ứng với thị trường, nông nghiệp Việt Nam đã có thể xuất đi 180 nước, đạt giá trị 30 tỷ USD năm vừa qua; và năm 2017 dự kiến đạt 35 tỷ USD. Do đó, nếu quyết tâm, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng các sản phẩm thế mạnh, ngành hàng chủ lực... để đảm bảo cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Do đó, ngành nông nghiệp chọn 3 trục sản phẩm gồm trục sản phẩm quốc gia, cấp tỉnh và cấp địa phương làm các mũi nhọn. Trục sản phẩm quốc gia là 10 sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD; trục sản phẩm cấp tỉnh có quy mô hàng hóa lớn của tỉnh như nhãn lồng Hưng Yên, cam Cao Phong, vải thiều Bắc Giang và cấp địa phương là mỗi làng một sản phẩm, mỗi xã một sản phẩm...
Về vấn đề phân bón, Bộ trưởng cho biết đã xây dựng Nghị quyết của Chính phủ để quản lý vấn đề này; sắp tới sẽ trình tiếp một nghị định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực phân bón với chế tài mạnh, thậm chí nơi nào vi phạm sẽ bị dừng sản xuất.
Đồng thời Bộ phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát lại theo hướng, gọn bớt đầu mối, sản phẩm phân bón, tăng lượng sản phẩm phân hữu cơ để phục vụ phát triển nông nghiệp sạch... Hiện nay, cả nước có 14.000 sản phẩm phân bón, trong đó 96% phân bón vô cơ. Bộ định hướng giảm dần phân bón vô cơ và tăng cường kiểm soát.