Dù đã bán được 30 năm nhưng xe trái cây chị Nguyễn Thị Kiều Nhi tại Cầu Kênh Tẻ (quận 4, TP.HCM) vẫn luôn đông khách bởi trái cây tươi, ngon, đồ chấm vừa miệng.
30 năm 'gây nghiện' với món 'ổi luộc chấm mắm ruốc'
Dù đã bán được 30 năm nhưng xe trái cây chị Nguyễn Thị Kiều Nhi tại Cầu Kênh Tẻ (quận 4, TP.HCM) vẫn luôn đông khách bởi trái cây tươi, ngon, đồ chấm vừa miệng.
Theo Dân trí, món ăn lạ miệng và đặc biệt ở đây là món ổi luộc. Ổi được sơ chế và được chị Nhi chế biến theo công thức gia truyền mẹ chị để lại. Trái ổi luộc bình thường như các loại rau củ khác nhưng quan trọng là phải vớt ra đúng lúc đảm bảo quả còn nguyên độ giòn, ngọt và không bị cứng. Đặc biệt thêm nữa là món muối ăn kèm chị Nhi tự chế biến theo công thức riêng. Chị Nhi trong một lần tự học làm muối chấm hoa quả, vô tình chị đã "chế" ra công thức "đặc biệt": vị muối không mặn quá, có vị ngon vừa miệng.
Độc lạ bó hoa vải thiều giá tiền triệu
Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc tiêu thụ vải thiều gặp khó khăn. Ở nhiều nơi, mọi người đã chung tay kêu gọi, cùng nhau tiêu thụ vải giúp nông dân Bắc Giang. Ngoài cách bán theo kg truyền thống, có một cách bán mới lạ đang rất hút khách đó chính là bó quả vải thiều thành hoa để bán.
Theo VTC News, nhiều cửa hàng hoa ở TP.HCM, Hà Nội đã biến tấu những chùm vải thiều thành bó hoa trái cây vải thiều vô cùng độc đáo, với giá từ 350.000 đồng đến 1 triệu đồng. Bó hoa trái cây vải thiều này đã kết hợp loại đặc sản miền Bắc với các loại hoa, lá phụ khác như hoa baby trắng nhập từ Hà Lan, hoa thạch thảo...
Bó hoa vải thiều được chia sẻ trên Facebook. |
Ngay khi xuất hiện, những bó hoa từ trái vải này nhanh chóng nhận được sự yêu thích của rất nhiều người, đặc biệt là các cô gái. Bởi những bó hoa vải thiều này vừa đẹp, lại có thể ăn được ngay.
'Xe hoa' kết bằng 30kg vải thiều trên phố Hà Nội thu hút mọi ánh nhìn
Sáng 10/6, một chiếc 'xe hoa' kết bằng 30kg vải thiều đỗ ngay sát một điểm bán nông sản Bắc Giang tại địa chỉ số 80 Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa, Hà Nội) thu hút sự chú ý của đông đảo người đi đường. Sự thật chiếc xe độc đáo này không phải là một chiếc xe hoa dùng để rước dâu mà đây là chiếc xe được một đơn vị tổ chức sự kiện giới thiệu và quảng bá sản phẩm nông sản Bắc Giang.
Khoảng 30 kg vải thiều tươi được trang trí lên mặt trước và sau của chiếc xe, trông hệt như một chiếc xe hoa. Thậm chí, hoa cưới cũng được bó bằng vải thiều trông khá đẹp mắt.
Xải thiều tươi được trang trí lên mặt trước và sau của chiếc xe, trông hệt như một chiếc xe hoa. |
Sen 'chân dài' hàng hiếm, có tiền cũng khó kiếm
VOV thông tin, thị trường mới xuất hiện một loại sen lạ, "chân dài" tới 2m, lá tròn xoe, bông khoe sắc lại tỏa hương thơm khiến giới yêu hoa mê mẩn. Loại sen này giá khá "bình dân", chỉ hơn 100.000 đồng/chậu. Nhưng vì thuộc diện hàng hiếm nên nhiều người có tiền cũng khó mua được loại sen 'chân dài' này.
Loại sen này "chân" dài miên man, bông khoe sắc lại tỏa hương thơm khiến giới yêu hoa mê mẩn. (Ảnh: VOV) |
Để cắm bình hoa sen "chân dài" không khó vì cành sen tuy cao nhưng rất cứng cáp, không bị cong hay rủ xuống. Bình sen tươi có thể chơi được vài ngày.
Đầm sen cạn hơn 10.000 chậu
Đang có công việc ổn định ở thành phố, anh Vũ Thanh Toàn (31 tuổi, Hưng Hà, Thái Bình) bất ngờ "bỏ phố về quê" thuê đất trồng sen trong chậu. Quyết định của anh liền gặp phải sự phản đối kịch liệt của gia đình, bạn bè.
"Nhiều người bảo tôi là điên, khùng, đang có công việc ổn định lại bỏ về quê đi lội ao, ruộng xúc bùn trồng sen", anh Toàn cho biết. Nhưng trời không phụ lòng người. Đến nay, đầm sen của anh Toàn có hơn 10.000 chậu, với hơn 50 giống sen quý ở trong và ngoài nước.
Trong khi đó, ở Hà Nội, có một siêu đầm sen với 167 giống loài khác nhau từ nhiều nơi trên thế giới, được coi là đầm sen đa dạng nhất Việt Nam. Đó là đầm sen của Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Với ưu thế về kiến thức chuyên ngành nông nghiệp, các giống sen ở đây đều phát triển rất đẹp, và lai tạo được thêm nhiều giống mới độc, lạ.
Bảo tàng đồ cổ 'độc nhất vô nhị' ở Hà Nội
Các hiện vật trong bảo tàng đều gắn bó với cuộc sống lao động, sản xuất, chiến đấu của người dân trong vùng. |
Báo Tiền Phong cho hay, với mong muốn lưu giữ ký ức làng quê, người dân xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) đã biến nhà văn hóa xã trở thành một bảo tàng trưng bày và lưu giữ hơn 300 hiện vật độc đáo, "độc nhất vô nhị", trong đó có hàng chục hiện vật trên trăm tuổi.
Tại đây, dễ dàng bắt gặp những đồ dùng quen thuộc trong đời sống sinh hoạt, lao động hàng ngày như: quang gánh, cối đá, kẻng, máy khâu, bát, giáo, mác…
Hạnh Nguyên(Tổng hợp)