Cải thiện môi trường thông thoáng thu hút FDI
Theo Bộ KHĐT, sau 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, thể hiện qua các đóng góp xã hội, nộp ngân sách Nhà nước, tạo giá trị gia tăng. FDI cũng là tiền đề quan trọng giúp Việt Nam mở rộng quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, việc thu hút FDI còn nhiều hạn chế như chủ yếu gia công, tỉ lệ nội địa hoá thấp, chưa tạo liên kết với doanh nghiệp trong nước. Do đó cần cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng chính sách thu hút FDI mới nhằm thu hút nhiều dự án đầu tư có chọn lọc, có công nghệ cao. Do vậy, phải tập trung phát triển và hỗ trợ các DN trong nước để giải phóng sức sản xuất và khai thông các nguồn lực, phát huy nội lực.
Bên cạnh đó, sự liên kết giữa khu vực FDI với khu vực DN trong nước cùng tham gia chuỗi giá trị chưa đạt như kỳ vọng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và hoạt động chuyển giao công nghệ còn ở mức thấp, cần phải xác định định hướng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với khu vực có vốn FDI trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT - Nguyễn Trí Dũng, thu hút đầu tư nước ngoài là sự cạnh tranh giữa các quốc gia có nguồn lực giới hạn và ở đâu có môi trường đầu tư tốt, thể chế thuận lợi, thông thoáng, ổn định, mang lại lợi ích thì các DN FDI sẽ đầu tư. Do vậy, nếu Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi với cơ chế ưu đãi, hỗ trợ tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư thì họ sẽ nhìn thấy hiệu quả và đến đầu tư.
Theo đó, chúng ta đã liên tục điều chỉnh chính sách để tạo môi trường tốt nhằm thu hút các nhà đầu tư. Cùng đó, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) - GS-TSKH Nguyễn Mại cũng cho rằng, việc thu hút FDI phụ thuộc rất nhiều vào tình hình KTXH của thế giới, do vậy cần thay đổi chính sách kịp thời để phù hợp với những thay đổi để tận dụng cơ hội thu hút đầu tư.
Tạo việc làm cho trên 3,7 triệu lao động
Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, sau 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, FDI đã tạo ra khoảng 22 - 25% tổng vốn đầu tư xã hội, trong đó, tổng vốn đầu tư thực hiện khoảng 161 tỉ USD, FDI hiện đang chiếm khoảng 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam. Cùng đó, FDI đã tạo ra sự dịch chuyển ngành nghề trong xã hội, chủ yếu là từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ.
Qua đó, khu vực FDI đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 3,7 triệu lao động trực tiếp và khoảng 5 - 6 triệu lao động gián tiếp, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ lao động có kỹ năng bao gồm công nhân lành nghề, kỹ sư công nghiệp, chuyên gia dịch vụ, cán bộ quản trị kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam; thúc đẩy quá trình chuyển từ lao động thu nhập thấp sang lao động có trình độ hiện đại và thu nhập cao. Nhưng vẫn còn nhiều bất cập như việc thay đổi các cơ chế, chính sách vẫn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế.
Cụ thể như tại tỉnh Bắc Ninh đã thu hút được 1.222 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 16,5 tỉ USD, cùng đó đã tạo ra hàng chục nghìn việc làm mỗi năm với mức lương cao hơn so với lao động tại doanh nghiệp trong nước, bình quân trên 10 triệu đồng/tháng
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng lao động trong các DN FDI tuy chiếm tỉ trọng thấp nhưng có hiệu quả SXKD khá cao với những đóng góp đáng kể trong việc đào tạo lao động có chất lượng, tốc độ tăng việc làm của khu vực FDI luôn cao. Sự có mặt của khu vực FDI đã góp phần làm chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông thôn ra các thành phố, đặc biệt là vào các KCN, KCX lớn, cũng như góp phần quan trọng cải thiện chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.
Tạo chuỗi liên kết giữa DN trong nước và DN FDI
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện FDI đã đóng góp vào sự phát triển KHXH của Việt Nam khoảng 170 tỉ USD, góp phần vào quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo nguồn vốn đầu tư phát triển, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế, tạo việc làm, thu ngân sách và chuyển giao công nghệ… Do vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục có các chính sách để hỗ trợ và tiếp tục coi đầu tư FDI là một thành phần của nền kinh tế Việt Nam.
Việc làm thế nào để phát triển DN phụ trợ và liên kết giữa doanh nghiệp FDI với DN trong nước luôn là câu hỏi lớn được đặt ra với các hiệp hội, các tổ chức, các nhà đầu tư. Do đó, vấn đề nâng cao hiệu quả thu hút FDI, chú trọng chuyển giao công nghệ, trình độ quản lý và thị trường tiêu thụ sản phẩm; chủ động lựa chọn các dự án có công nghệ cao, thân thiện môi trường, sản phẩm có giá trị gia tăng và tỉ lệ nội địa hóa cao, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt phải liên kết với doanh nghiệp trong nước... nhưng quan trọng hơn là phải hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ và xây dựng chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện lớn mạnh, tham gia được sân chơi chung và liên kết được với các doanh nghiệp FDI.