Những ngày gần đây, người dân bắt gặp nhiều cửa hàng Bách Hóa Xanh treo biển xả kho, giảm giá "sốc, xả kho giảm đến 50%". Bên cạnh đó, một số cửa hàng treo bảng tạm đóng cửa để nâng cấp.
Theo thông tin trên website bachhoaxanh.com, hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh tính đến ngày 13/7 đang có 1.824 cửa hàng. Trong khi đó, tính đến hết tháng 4/2022, toàn chuỗi có 2.140 cửa hàng Bách Hóa Xanh. Như vậy, trong hơn 2 tháng qua, có khoảng 300 điểm bán, tương đương 1/7 hệ thống đã âm thầm “biến mất”.
Nói về việc hàng loạt cửa hàng đóng cửa, đại diện Thế giới Di động xác nhận việc có một số cửa hàng Bách Hóa Xanh hoạt động không hiệu quả, không đáp ứng một số tiêu chí về kinh doanh.
Trước đó, ông Nguyễn Đức Tài đã chia sẻ với nhà đầu tư cho biết trong khoảng 2.100 cửa hàng tính đến giữa tháng 5, hơn 50% cửa hàng đạt đầy đủ tiêu chí cần thiết. Với gần 50% cửa hàng còn lại, công ty sẽ rà soát, nếu điểm bán nào cách quá xa các tiêu chuẩn cần thiết sẽ được tính toán xử lý.
Bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2015 đầu năm 2016, kể từ đó đến nay Bách Hóa Xanh đã liên tục mở rộng quy mô, số lượng cửa hàng và doanh thu tăng trưởng mạnh qua từng năm.
Năm 2016, chuỗi Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu 251 tỷ đồng sau 1 năm đi vào hoạt động. Giai đoạn 2017-2019, BHX tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng thần tốc tính bằng lần. Sau đó, khi gặp dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng của Bách Hoá Xanh bắt đầu chậm lại. Năm 2021, Bách Hóa Xanh đạt doanh số hơn 28.200 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2020, quy mô cũng phát triển đến hơn 2.000 điểm bán.
Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm nay, Bách Hoá Xanh ghi nhận doanh thu lũy kế hơn 8.000 tỷ đồng, chỉ tăng 2% so với cùng kỳ kèm với đó là doanh thu hàng tháng / cửa hàng (SSS) giảm 15% xuống còn 0,97 tỷ đồng. Thêm việc đóng cửa nhiều cửa hàng, dự đoán kết quả kinh doanh năm nay của Bách Hóa Xanh sẽ không giữ được đà như những năm trước.
Điều trùng hợp là, Bách Hóa Xanh chững lại khi đang tiệm cận ngưỡng 30.000 tỷ doanh thu giống với các doanh nghiệp bán lẻ khác như Wincommerce, Saigon Co.op và Central Retail. Sau khi tiến gần đến mốc doanh thu 30.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng của các chuỗi bán lẻ trên đều chậm lại và thậm chí đi lùi khi vượt được mốc đó.
Wincomerce chỉ mất 3 năm để từ mốc doanh thu 17.000 tỷ tăng gần gấp đôi lên 31.000 tỷ vào năm 2020. Tuy nhiên con số này đã gần như đi ngang trong năm 2021 khi Wincomerce chỉ thu về 30.900 tỷ đồng.
Năm 2017, Saigon Co.op cán mốc 30.000 tỷ doanh thu, năm 2018-2019 doanh thu của Saigon Co.op chỉ tăng nhẹ từ 6-9% mỗi năm, trong khi các đối thủ vẫn vươn lên mạnh mẽ. Bước sang năm 2020, Saigon Co.op bắt đầu ghi nhận tăng trưởng âm khi doanh thu giảm từ mốc 35.000 tỷ (2019) xuống còn 33.300 tỷ và tiếp tục giảm trong năm 2021 chỉ còn 30.700 tỷ đồng.
Central Retail cũng tương tự khi thu được 31.600 tỷ đồng năm 2020, nhưng ngay trong năm 2021 doanh thu giảm mạnh chỉ còn hơn 27.000 tỷ đồng.
Như vậy, có thể ví von 30.000 tỷ doanh thu như là 1 "ngưỡng kháng cự mạnh'' đối với ngành bán lẻ thực phẩm và doanh nghiệp nào đủ mạnh mẽ để chinh phục cột mốc này sẽ nắm ngôi vương ngành bán lẻ.
Lần đầu tiên sau nhiều năm, khối ngoại bán ròng MWG và cổ phiếu này hiện hở room gần 1%