"Giẫm đạp" là từ nhà đầu tư dùng để dự báo xu hướng bán tháo cổ phiếu FLC và các thành viên trong hệ sinh thái, sau khi hàng loạt quyết định đình chỉ giao dịch, hủy niêm yết liên quan đến cổ phiếu "họ FLC" được Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM ban hành vào tuần trước.
Đúng như dự đoán, phiên hôm nay 5-9 giới đầu tư chứng kiến 5/7 mã bị xếp vào "họ FLC" gồm FLC (Tập đoàn FLC), KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS), HAI (Nông dược H.A.I), ART (Chứng khoán BOS) và AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone) bị ế ẩm, trắng bên mua, với tổng cộng khoảng 300 triệu cổ phiếu bị dư bán sàn.
Theo đó, các mã "họ FLC" đã bị giảm hơn 80% so với giá đỉnh lập vào đầu tháng 1 năm nay, trước khi vụ ông Trịnh Văn Quyết "bán chui" cổ phiếu bị phanh phui. Cụ thể, mã ART rơi xuống giá 4.000 đồng/cổ phiếu, FLC rơi xuống nằm giá 3.720 đồng/cổ phiếu, KLF 2.400 đồng/cổ phiếu, AMD 2.340 đồng/cổ phiếu và HAI 1.700 đồng/cổ phiếu.
Riêng mã ROS (Đầu tư xây dựng FLC Faros) không xuất hiện giao dịch vì chính thức bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM từ hôm nay, do vi phạm công bố thông tin, dừng ở giá 2.510 đồng/cổ phiếu, giảm 82% so với đỉnh hồi đầu năm.
Dù sau đó Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho biết thực hiện công tác chuyển dữ liệu đăng ký, lưu ký cổ phiếu ROS từ thị trường HoSE sang thị trường UpCOM từ 30-8, nhưng phía Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - đơn vị vận hành UpCOM - lại phản hồi chỉ nhận cổ phiếu ROS khi có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng.
Trong khi đó mã GAB của Công ty CP Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC từ lâu đã không xuất hiện giao dịch, hiện neo ở giá 196.400 đồng/cổ phiếu. Mới đây mã này cũng bị HoSE đưa vào diện cảnh báo vì chậm công bố báo cáo soát xét bán niên năm 2022. Phía GAB giải trình rằng đã liên hệ nhiều công ty kiểm toán nhưng đều bị từ chối vì lý do liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết - đã bị bắt giam để điều tra về hành vi thao túng chứng khoán, vừa bị khởi tố bổ sung tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhà đầu tư chứng khoán.
Dù đã "dần quen" với thua lỗ trong nhiều tháng liền, nhưng với áp lực bán khốc liệt hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu "họ FLC" không thoát khỏi nỗi lo cổ phiếu sẽ thành "giấy lộn".
Cổ phiếu "họ FLC" bị giảm sàn, trắng bên mua trong phiên 5-9 - Ảnh: BÔNG MAI
Trên thị trường chứng khoán chung, mặc dù sắc xanh duy trì khá tốt trong phiên sáng, nhưng chuyển sang phiên chiều lại bị chìm vào sắc đỏ - chiều là thời gian hàng loạt cổ phiếu "họ FLC" bắt đầu giao dịch, vì trước đó đã bị HoSE cắt không cho giao dịch sáng.
Ở phiên đầu tuần, dòng tiền đổ vào mua nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn như HPG (Hòa Phát), VNM (Vinamilk), MSN (Masan), VIC (Vingroup), BVH (Bảo Việt), HSG (Hoa Sen)... Điều trái ngược diễn ra với các cổ phiếu VCB (Vietcombank), BID (BIDV), VPB (VPBank), MWG (Thế giới di động), BCM (Becamex), CTG (Vietinbank)...
Diễn biến mua bán cổ phiếu ở các nhóm ngành có sự phân hóa rõ rệt, xu hướng giảm áp đảo. Trong khi chỉ có 4 nhóm tăng trưởng (nguyên vật liệu, năng lượng, hàng tiêu dùng thiết yếu và chăm sóc sức khỏe), thì lại có tới 5 nhóm lao dốc (hàng tiêu dùng, bất động sản, công nghiệp, công nghệ thông tin, dịch vụ tiện ích và tài chính).
Khép lại phiên giao dịch hôm nay, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 3,16 điểm (-0,25%) lùi về mốc 1.277,35 điểm, với thanh khoản xấp xỉ 13.402 tỉ đồng. Kết quả giảm cũng ghi nhận ở sàn UpCOM khi bị giảm 0,66 điểm (-0,71%) xuống 91,78 điểm. Đối lập, sàn HNX vẫn duy trì được sắc xanh từ đầu đến cuối phiên, nhưng chỉ tăng nhẹ 0,9 điểm (+0,31%) vươn lên 292,82 điểm.
Trước những biến động của thị trường chứng khoán trong thời gian qua, thanh khoản sàn tổng thị trường tiếp tục chưa trở lại mốc 1-2 tỉ USD, khép lại phiên thứ hai với mức hơn 14.800 tỉ đồng.